Banner trang chủ

Hợp tác xã rau an toàn xã Hà Hồi: Mang nông sản sạch, an toàn đến cho người tiêu dùng

15/09/2022

    Huyện Thường Tín có khoảng gần 900 ha đất trồng rau màu các loại, trong đó tập trung chủ yếu ở các xã Thư Phú, Hà Hồi, Tân Minh, trung bình mỗi ngày cung ứng ra thị trường hàng chục tấn rau. Vốn là địa phương được Sở NN&PTNT TP. Hà Nội quy hoạch thành vùng phát triển rau an toàn cung ứng cho người tiêu dùng Thủ đô, thời gian qua, xã Hà Hồi, huyện Thường Tín đã cho thành lập các Hợp tác xã (HTX) chuyên sản xuất rau toàn, thống nhất quy trình sản xuất theo chuẩn VietGAP, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm. Trong đó, HTX rau an toàn Hà Hồi đã hoàn thiện hồ sơ, giấy chứng nhận đạt chuẩn an toàn VietGAP để đăng ký sản phẩm tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm của huyện Thường Tín; xây dựng cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP để tiêu thụ. Kết quả, năm 2021, HTX có 10 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP.

Sản phẩm rau mầm được trồng tại HTX Rau an toàn Hà Hồi

    Trên diện tích canh tác 22 ha, những năm qua, HTX Rau an toàn Hà Hồi tập trung gieo trồng các loại rau theo hướng an toàn và tiêu chuẩn VietGAP. Với sự quan tâm của TP. Hà Nội và huyện Thường Tín, xã Hà Hồi đã đầu tư 38 tỷ đồng xây dựng nhà sơ chế, hệ thống cấp nước sạch và hoàn thiện giao thông nội đồng phục vụ cho việc sản xuất. HTX rau an toàn xã Hà Hồi hiện có 7 thành viên với diện tích sản xuất rau trên 22 ha, trong đó có 3 ha sản xuất rau an toàn theo chuẩn VietGAP, với sản lượng từ 15 - 20 tấn rau các loại/ngày. Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, năm 2021, HTX rau an toàn xã Hà Hồi cũng đã đăng ký sản phẩm rau, mộc nhĩ, nấm sò các loại tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đưa sản phẩm của HTX bày bán tại các cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích trong huyện và thành phố. Năm 2021, HTX có 10 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP gồm: Rau mồng tơi, rau xà lách, rau kinh giới, rau ngải cứu, rau muống, rau cải mơ, rau dền đỏ, rau dền xanh, rau ngót, nấm sò trắng.

    Một điều thuận lợi là trên địa bàn xã Hà Hồi cũng đã xây dựng được Điểm giới thiệu sản phẩm OCOP của huyện Thường Tín. Đây sẽ tạo điều kiện cho các sản phẩm nông sản của xã Hà Hồi nói chung cũng như sản phẩm rau sạch của HTX xã Rau an toàn Hà Hồi nói riêng được giới thiệu, quảng bá đến đông đảo người tiêu dùng, cung cấp cho các bếp ăn tập thể, cửa hàng tiện ích trên toàn huyện Thường Tín và TP. Hà Nội.

Khoai tây của HTX là mặt hàng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn

    Chị Đỗ Thị Thúy, thành viên HTX rau an toàn Hà Hồi, huyện Thường Tín chia sẻ: Từ một tiểu thương với mong muốn mang đến sản phẩm nông sản an toàn cho người tiêu dùng, chị đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nấm sạch. Trên diện tích gần 4.000 m2, chị Thúy đã thành lập trại nấm Bảo Anh chuyên các loại nấm sò, mọc nhĩ cung ứng ra thị trường. Về nguồn nguyên liệu sản xuất nấm, chị chỉ chọn rơm và mùn cưa làm nguyên liệu chính. Bằng cách, ủ rơm, mùn cưa với nước vôi trong, sau đó phối trộn thêm cám ngô, cám gạo, vôi bột 1%. Tiếp đến đóng bịch và hấp chín bịch nấm bằng hơi nước ở nhiệt độ 95 - 100°C trong vòng 6 tiếng đồng hồ. Song công đoạn này thì đưa bịch nấm ra ngoài để nguội và cấy giống nấm. Rơm và mùn cưa là những nguyên liệu thân quen với người dân, truy xuất được nguồn gốc rõ ràng, lại tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có, góp phần bảo vệ môi trường, giúp lượng rơm rạ bị đốt trên đồng ruộng bớt đi; quy trình ủ lại không tạo ra mùi hôi, thối. Mọi quy trình sản xuất từ làm bịch phôi, chọn giống, nguồn nước tưới… đều được áp dụng theo quy trình VietGAP. Do vậy, cây nấm không những cho năng suất cao mà còn đảm bảo đúng yêu cầu chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đến tay người tiêu dùng. Sản xuất đến đâu đều được HTX tiêu thụ ra thị trường hết đến đó.

Một điểm cung cấp nông sản sạch của HTX Rau an toàn Hà Hồi

    Tại huyện Thường Tín, những mô hình như của Hợp tác xã Rau an toàn Hà Hồi đang ngày một phổ biến. Theo Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội Nguyễn Văn Chí, khi tham gia Chương trình OCOP, nông sản, thực phẩm và các loại đồ uống sẽ được Hội đồng thẩm định của thành phố xem xét, đánh giá kỹ lưỡng. Chỉ khi đáp ứng đủ tiêu chuẩn an toàn cũng như kiểm nghiệm chặt chẽ về chất lượng mới được cấp sao. Với một quy trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ, tiêu chí rõ ràng thì các sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP sẽ là cơ sở để người tiêu dùng tin tưởng vào chất lượng cũng như độ an toàn thực phẩm. Điều này cũng đặt ra đòi hỏi cho các chủ thể cần duy trì chất lượng ổn định và thường xuyên đổi mới bộ nhận diện.

Phương Linh

(Trang báo có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP. Hà Nội)

 

Ý kiến của bạn