Banner trang chủ

Hội chợ tư vấn, giới thiệu sản phẩm OCOP: Điểm đến tin cậy của người tiêu dùng

08/08/2022

    Thực hiện Chương trình số 313/Ctr-UBND ngày 28/12/2021 của Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội về Chương trình xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội năm 2022 và Kế hoạch số 145/KH-UBND ngày 24/5/2022 của Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội về thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) TP. Hà Nội năm 2022, từ đầu năm 2022 đến nay, Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP. Hà Nội đã liên tục tổ chức các sự kiện tư vấn, giới thiệu sản phẩm OCOP. Đây là “điểm hẹn” hỗ trợ nhà cung cấp của Hà Nội và các địa phương giới thiệu những sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng. Đồng thời, mở ra cầu nối cho các doanh nghiệp trong nước tăng cường các hoạt động giao thương, kết nối, góp phần phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19.

Hội chợ Giống vật tư thiết bị nông nghiệp, nông sản an toàn, OCOP, sản phẩm làng nghề sinh vật cảnh thành phố Hà Nội năm 2022 có 100 gian hàng tham gia trưng bày

    Lũy kế đến nay (2019 - 2022), TP. Hà Nội đã đánh giá, phân hạng, công nhận được 1.649 sản phẩm OCOP, gồm 4 sản phẩm 5 sao của Công ty TNHH Gốm Sứ Quang Vinh; 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao (đã trình Bộ NN&PTNT xem xét, đánh giá, phân hạng); 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao, trong đó, ngành thực phẩm 1.071 sản phẩm, ngành đồ uống 35 sản phẩm, ngành thảo dược 17 sản phẩm, ngành thủ công mỹ nghệ 492 sản phẩm, ngành vải và may mặc 34 sản phẩm. Nhưng, thành công lớn nhất của Chương trình là đã tạo được sức lan tỏa lớn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, gia tăng giá trị sản phẩm. Các sản phẩm của Chương trình có nhiều chuyển biến tích cực cả về chất lượng, bao bì nhãn mác... Tuy nhiên, thời gian qua những sản phẩm này không được nhiều người tiêu dùng biết đến do thiếu sự kết nối sản xuất với hệ thống bán lẻ nên thị trường tiêu thụ khá hạn hẹp. Để khắc phục khó khăn này, Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP. Hà Nội đã tổ chức các sự kiện tư vấn, giới thiệu sản phẩm OCOP, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp, chủ thể OCOP quảng bá thương hiệu, đưa sản phẩm tới người tiêu dùng Thủ đô. Sự kiện này còn giúp các chủ thể sản xuất, kinh doanh tăng cường kết nối giao thương tìm đầu ra cho sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi số, các giải pháp thích ứng linh hoạt sau đại dịch và biến động thị trường. Đặc biệt, đây còn là hoạt động thiết thực hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới.

    Đầu năm 2022 (từ ngày 7 - 10/3/2022), tại Trung tâm Thành phố sáng tạo Mailand Hanoi City (khu đô thị Splendora Bắc An Khánh, huyện Hoài Đức), Hội chợ Giống vật tư thiết bị nông nghiệp, nông sản an toàn, OCOP, sản phẩm làng nghề sinh vật cảnh thành phố Hà Nội năm 2022 do Sở NN&PTNT TP. Hà Nội phối hợp với UBND huyện Hoài Đức, Hội Sinh Vật cảnh Thành phố và Công ty Liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh đã khai mạc. Tham gia trưng bày tại Hội chợ có 100 gian hàng của các chủ thể, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với 78 đơn vị thuộc TP. Hà Nội và 19 tỉnh trên cả nước như Tuyên Quang, Nha Trang, Yên Bái, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thái Nguyên, Sơn La, Quảng Ninh, Ninh Bình, Đắk Lắk, Nghệ An, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Bắc Giang, Bình Thuận, Hà Giang, Thái Bình, Bắc Ninh. Triển lãm sinh vật cảnh có 250 nhà vườn đến từ các tỉnh, thành phố: An Giang, Đồng Nai, Bình Định, Nghê An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Thái Nguyên, Lào Cai, Hoà Bình và TP. Hà Nội. Trong thời gian diễn ra hội chợ, Ban Tổ chức còn tổ chức Hội thảo ứng dụng công nghệ chuyển đổi số nông nghiệp, quản trị số doanh nghiệp hợp tác xã phục vụ canh tác nông nghiệp thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; trải nghiệm Không gian văn hóa xứ Đoài; Triển lãm sinh vật cảnh Thủ đô năm 2022 với chủ đề Hương Sắc Việt Nam; phát động cuộc thi và triển lãm ảnh “Một thoáng Nông thôn mới Hà Nội”... Hội chợ là cơ hội giúp thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát truy xuất nguồn gốc, xác định mã số vùng trồng, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh... Đồng thời, góp phần khôi phục chuỗi sản xuất, cung ứng vật tư nông nghiệp bị đứt gãy do ảnh hưởng của đại dịch qua hơn 2 năm qua, tăng cường kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm bền vững trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn góp phần thực hiện thắng lợi chương trình nông thôn mới gắn với đô thị tại TP. Hà Nội...

Sản phẩm OCOP được trưng bày và giới thiệu tại Hội nghị công bố Quyết định công nhận sản phẩm OCOP

    Ngày 22/7/2022, tại Hà Nội, Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) Thành phố đã tổ chức Hội nghị công bố Quyết định công nhận sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố đối với các chủ thể được công nhận năm 2021. Trong thời gian diễn ra Hội nghị, từ ngày 22 - 24/7/2022, Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP. Hà Nội cũng tổ chức trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP trong khuôn viên Trung tâm thương mại Khu đô thị Royal city.

    Phúc Thọ, huyện là một trong những địa phương có rất nhiều nghề của thành phố Hà Nội, với gần 60 làng có nghề. Đây cũng là địa phương có đặc thù địa hình đa dạng miền bãi, đồng, ven sông, đồi gò, có thế mạnh phát triển nông nghiệp, cả về trồng trọt lẫn chăn nuôi con đặc sản. Vì vậy, những năm qua huyện Phúc Thọ đã xây dựng được nhiều sản phẩm chủ lực trên cơ sở quy hoạch phát triển vùng chuyển đổi tập trung. Huyện xác định trong xây dựng nông thôn mới phải đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ mô hình gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia chương trình OCOP, nhằm quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Đặc biệt là bảo vệ được quyền bảo hộ, tiêu dùng sản phẩm cho quê hương. Trong thời gian qua, huyện Phúc Thọ cũng tạo điều kiện cho các chủ thể OCOP quảng bá, tiêu thụ sản phẩm và người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm, sử dụng sản phẩm OCOP như tổ chức nhiều đợt quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Bên cạnh đó, hiện huyện Phúc Thọ đã xây dựng được nhiều sản phẩm nông sản lợi thế trên cơ sở quy hoạch phát triển vùng chuyển đổi tập trung, phần lớn các sản phẩm chủ lực đều được cấp nhãn hiệu tập thể, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Tại Tuần hàng tư vấn, giới thiệu Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) TP. Hà Nội năm 2022 diễn ra từ ngày 30/7 - 3/8/2022, tại Trung tâm Văn hóa, thông tin và thể thao huyện Phúc Thọ, huyện có 50 gian hàng trưng bày sản phẩm của huyện gồm: Các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng của 21 xã, thị trấn (mỗi xã một gian hàng); gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP mang tính đặc trưng của địa phương như bưởi Phúc Thọ, thịt lợn sinh học Thọ Lộc, rau an toàn Thanh Đa, chuối Vân Nam…; gian các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và gian sản phẩm làng nghề và ẩm thực. Các sản phẩm tham gia đều có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo về chất lượng và an toàn thực phẩm.

Lễ khai mạc Tuần hàng tư vấn, giới thiệu OCOP TP. Hà Nội năm 2022 tại Phúc Thọ

    Có thể nói, các kỳ hội chợ vừa qua đã nhận được sự ghi nhận của lãnh đạo Thành phố, sự đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp về tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong công tác tổ chức, quảng bá và kết nối xúc tiến thương mại, đặc biệt đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam thay đổi về quan điểm sản xuất, tư duy xây dựng kế hoạch, nâng cao năng lực tiếp cận với các tập đoàn phân phối lớn của nước ngoài. Trong thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức các sự kiện tư vấn, giới thiệu sản phẩm OCOP. Mới đây, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội cho biết, Sở NN&PTNT TP. Hà Nội sẽ tổ chức sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc diễn ra trong 5 ngày kể từ ngày 31/8 - 4/9/2022 tại Quảng trường thị xã Sơn Tây. Theo đó, Ban Tổ chức sẽ ưu tiên giới thiệu các sản phẩm OCOP đã được các tỉnh, thành phố đánh giá phân hạng OCOP từ 3 sao trở lên; các sản phẩm chủ lực, đặc sản vùng miền, sản phẩm tiềm năng tham gia Chương trình OCOP của các địa phương, sản phẩm làng nghề. Các sản phẩm OCOP tham gia sự kiện này có truy xuất nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có bao bì, nhãn mác, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. Trong khuôn khổ của sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc, Ban Tổ chức sẽ bố trí khu trưng bày các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền tại khu trưng bày chung của sự kiện, sân khấu trình diễn văn hóa nghệ thuật và khu gian hàng ẩm thực vùng miền…

Phương Tâm

(Trang báo có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP. Hà Nội)

Ý kiến của bạn