Banner trang chủ

Hiệu quả từ các mô hình bảo vệ môi trường của Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình

05/08/2021

    Thời gian qua, các cấp HND tỉnh Hòa Bình đã tích cực tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của hội viên nông dân trong công tác BVMT. Qua đó, góp phần hạn chế tình trạng vứt rác thải, vỏ thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, tạo cảnh quan môi trường Xanh - Sạch - Đẹp.

     Nhiều mô hình hiệu quả

     Phát huy vai trò nòng cốt của hội viên nông dân trong công tác BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), HND các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia nhiều hoạt động BVMT như: Hưởng ứng Tuần lễ nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; Ngày Môi trường thế giới; Phong trào Chống rác thải nhựa; Ứng phó với BĐKH; Bảo vệ và phòng - chống cháy rừng; BVMT không khí… thông qua nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng như trực tiếp, qua các phương tiện thông tin đại chúng, trên website của HND tỉnh, trong các buổi sinh hoạt chi Hội… Ngoài ra, hàng năm, các cấp Hội còn phối hợp với các ngành chức năng tổ chức trên 30 lớp tập huấn trang bị kiến thức BVMT; Kỹ thuật thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón; Tập huấn kiến thức về sản xuất rau hữu cơ…

Hội viên, nông dân tỉnh Hòa Bình làm đường giao thông nông thôn

     Nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng về thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón cho hội viên, năm 2019, HND tỉnh đã thực hiện mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón” tại xóm Phú Ngọc và xóm Gừa, thuộc xã Cư Yên, huyện Lương Sơn. Mô hình xây dựng 2 bể gồm 6 ngăn và 4 hố quy mô hộ gia đình, với 26 hộ tham gia. Sau khi bể ủ phân đầu tiên được đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả, nông dân địa phương có thêm nguồn phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất rau an toàn, tiết kiệm được nhiều chi phí, tăng năng suất. Vì vậy, khi xây dựng các bể tiếp theo đã nhận được sự đồng tình của hầu hết người dân địa phương. Quy trình ủ phân tương đối đơn giản, bằng việc tận dụng các loại rác thải hữu cơ trong gia đình, sản xuất nông nghiệp như lá cây, cỏ khô, cơm thừa, rau, quả hỏng, đầu cá, rơm rạ... cho vào bể, pha thêm men vi sinh cùng một số chế phẩm sinh học phun lên bề mặt rác thải và đậy kín. Sau khoảng 30-35 ngày, lớp rác thải bên dưới sẽ được phân hủy thành phân hữu cơ mịn, xốp, có màu đen, không mùi. Có thể sử dụng bón trực tiếp cho cây trồng hoặc phơi khô, cán nhỏ dự trữ trong bao bì lâu dài. Phân bón hữu cơ góp phần cải tạo đất, cung cấp lượng dinh dưỡng cho cây trồng, giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, khả năng chống chịu tốt hơn so với phân bón hóa học.

     Mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón” khi triển khai đã gây được sự chú ý của cộng đồng bởi phương pháp dễ làm, chi phí thấp, góp phần rõ rệt trong việc giảm thiểu 60% lượng rác thải ra môi trường. Không chỉ góp phần tạo cảnh quan, BVMT, phân hữu cơ sau khi ủ được đem vào sử dụng đã giảm đi 20% chi phí cho việc mua các loại phân bón trong sản xuất, đồng thời tăng 20% năng suất lao động, giúp cây trồng phát triển tốt, nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ; Lượng rác thải sinh hoạt trong gia đình giảm trông thấy. Cũng qua việc thực hiện mô hình, người dân được tuyên truyền, phổ biến, nâng cao kiến thức, trình độ trong thu gom, phân loại, xử lý rác thải, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

     Cùng với mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón”, HND tỉnh còn xây dựng nhiều mô hình BVMT gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Năm 2020, HND tỉnh phối hợp với các cấp, các ngành, đơn vị xây dựng được 150 mô hình tham gia BVMT nông thôn; Duy trì 38 khu dân cư NTM kiểu mẫu, 55 vườn mẫu do HND hỗ trợ; Trồng hơn 3.000 cây xanh thân gỗ để chống xói mòn, sạt lở đất; Phát động phong trào trồng “Hàng cây nông dân” với 137/150 xã tham gia trồng, thực hiện trồng được 35.694 cây, trong đó có 117 hàng cây được gắn biển HND. Bên cạnh đó, HND phối hợp với Phòng TN&MT các huyện, thành phố và các ngành liên quan tổ chức 67 Lễ phát động phong trào “Chống rác thải nhựa”; Hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường với chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và túi ni lông”, thu hút 2.400 hội viên tham gia, phát 230 chiếc làn nhựa và 50 sọt đựng rác cho hội viên nông dân. Ngoài ra, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, trong năm 2020, hội viên HND đã đóng góp được 11,209 tỷ đồng; 125.249 ngày công lao động; Hiến 115.130 m2 đất; Làm mới và sửa chữa 491,4 km đường giao thông nội đồng; Phát quang lề đường, ngõ xóm 1.820,4 km; Nạo vét, phát dọn, tu sửa trên 908,8 km kênh mương nội đồng; Đào đắp 25.797 m3 đất đá…

Nông dân xóm Phú Ngọc, xã Cư Yên (huyện Lương Sơn) kiểm tra phân hữu cơ trong bể ủ

     Có thể nói, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, HND các cấp tỉnh Hòa Bình đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia BVMT, ứng phó với BĐKH; Tích cực phối hợp xây dựng và nhân rộng các mô hình về BVMT gắn với xây dựng NTM. Những nỗ lực đó đã góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của cán bộ, hội viên, nông dân sống thân thiện với môi trường, đồng thời, khẳng định được vai trò trung tâm, nòng cốt của HND trong các phong trào nông dân và công cuộc xây dựng NTM ở địa phương. Thời gian tới, các cấp HND tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia các mô hình BVMT trong hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; Vệ sinh, giữ gìn cảnh quan, BVMT nông thôn và làng nghề; Phát triển mô hình BVMT gắn với xây dựng NTM. Cùng với đó, phát triển, nhân rộng các mô hình, hoạt động, cách làm hay về BVMT nông thôn, nông nghiệp. Đặc biệt là các hoạt động, mô hình về phân loại rác thải rắn sinh hoạt gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM; Hỗ trợ, đào tạo nghề và chuyển giao khoa học - công nghệ, giúp nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường... hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế hữu cơ.

      Những tấm gưng tiêu biểu

     Huyện Yên Thủy nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Hòa Bình, có diện tích tự nhiên trên 28.000 ha, trong đó, diện tích đất trồng cây lâu năm hơn 1.000 ha. Xác định nông nghiệp chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu ngành kinh tế của địa phương, những năm qua, huyện đã đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng NTM; Chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Năng động, sáng tạo trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; Tiên phong thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh môi trường; Thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP); Tích cực hiến đất, góp công lao động, kinh phí làm đường, xây dựng công trình phúc lợi… Đó là những việc làm hiệu quả của cán bộ, hội viên HND huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình trong việc hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”.

     Các cấp HND trong huyện đã tuyên truyền, vận động hội viên tập trung nguồn lực thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; Sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao. Trên cơ sở đó, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo được các cơ sở Hội tổ chức phát động, vận động hội viên, nông dân đăng ký tham gia. Năm 2020, toàn huyện có 3.375 hộ đạt hộ SXKD giỏi các cấp, trong đó, cấp Trung ương có 12 hộ, cấp tỉnh có 67 hộ, cấp xã là 2.620 hộ; 6.700 hộ đăng ký SXKD nông sản thực phẩm đảm bảo ATVSTP. Song song với phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho hội viên, HND huyện còn tích cực vận động cán bộ, hội viên thực hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội. Toàn huyện có 10.389 hộ hội viên đạt gia đình văn hóa (đạt 98,7%); Hội viên nông dân gương mẫu thực hiện các tiêu chí trong xây dựng NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu và phong trào “Nhà sạch, vườn đẹp, môi trường trong lành, ngõ xóm văn minh” gắn với xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu. Các cơ sở Hội cũng tham gia trồng hoa, dọn vệ sinh hàng tháng; Lắp biển quảng cáo, pano, áp phích tại các trục đường nội thôn… Điển hình là HND xã Yên Trị, Ngọc Lương với việc lắp đặt 7 cốp giếng để thu gom xử lý bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật tại cánh đồng; Vận động, hướng dẫn hội viên xây dựng 6 bể bioga tại xã Phú Lai; Thành lập 7 mô hình nông dân tham gia BVMT và thích ứng với BĐKH tại các xã: Yên Trị, Phú Lai, Hữu Lợi, Lạc Sỹ, thị trấn Hàng Trạm…Ngoài ra, trong năm 2020, HND huyện phối hợp HND tỉnh trồng 18 “Hàng cây nông dân” với tổng chiều dài 10.710 m, tổng số 942 cây, trị giá trên 65,9 triệu đồng.

     Trong xây dựng NTM, hội viên nông dân huyện Yên Thủy đã đóng góp 228 triệu đồng, 905 ngày công, phát quang 96 km đường làng, ngõ xóm; Đào đắp, khơi thông 72 km kênh mương; đóng góp trên 1.000 m3 đất, đá, xây dựng đường điện thắp sáng với chiều dài 2 km tại xã Bảo Hiệu, 1,5 km tại xã Phú Lai… Đến hết năm 2020, huyện có 5/10 xã đạt chuẩn NTM, số tiêu chí bình quân đạt 16,5 tiêu chí/xã; 9 khu dân cư và 42 vườn mẫu được UBND huyện công nhận. Để phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cán bộ, hội viên về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông thôn; Xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, thực hiện các chương trình liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

     Là nông dân thuộc hộ gia đình sản xuất nông nghiệp thuần nông, hoạt động trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và kinh doanh dịch vụ, trên diện tích đất 8000 m2, diện tích mặt nước ao 500 m2, diện tích chuồng trại chăn nuôi trên 50 m2 và cung ứng cây giống. Những năm trước đây, kinh tế gia đình ông Lưu Hồ Lam ở xóm Chềnh, xã Ngọc Lương còn gặp nhiều khó khăn, chưa tìm được hướng đi phù hợp để phát triển kinh tế thì đến năm 2010, gia đình ông được các cấp, các ngành và HND huyện tuyên truyền, vận động hưởng ứng việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, thông qua đó, gia đình ông đã hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình nên đã thống nhất, chủ động thực hiện dồn điền đổi thửa, tìm hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, các cấp HND đã giúp hộ gia đình ông được tiếp cận với nhiều nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng NN&PTNT huyện để phát triển sản xuất, từ đó gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, quy mô chăn nuôi.

     Sau khi dồn điền đổi thửa, gia đình ông chủ động cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng bưởi Diễn, chăn nuôi gà thả vườn, nuôi ong lấy mật và chăn nuôi bò sinh sản. Nhờ mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật do HND các cấp và các ngành tập huấn, chuyển giao để áp dụng vào sản xuất, thu nhập của gia đình ông được nâng lên rõ rệt, năm sau cao hơn năm trước. Phát huy tinh thần tương thân, tương ái, ông thường xuyên hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học cho các hộ hội viên nông dân trên địa bàn xã, hàng năm tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương. Trong 5 năm qua, ông đã giúp đỡ 5 hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, riêng năm 2020, ông giúp đỡ được 3 hộ nghèo, khó khăn về vốn, vật tư, cây - con giống tương đương 18 triệu đồng.

Ông Lưu Hồ Lam (xóm Chềnh, xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy) bên vườn bưởi của gia đình

      Gia đình ông cũng luôn tiên phong, gương mẫu đi đầu trong phong trào xây dựng NTM và rích cực vận động người dân đóng góp ngày công lao động, tiền của, hiến đất, xây dựng đường giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi, chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, tường rào, cổng ngõ. Để tạo điều kiện thuận lợi cho xóm tiến hành cải tạo cảnh quan, môi trường và kết cấu hạ tầng thôn xóm, trong công tác dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp, gia đình ông đã hiến trên 400 m2 đất nông nghiệp làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng; 35 mđất thổ cư để cứng hóa đường bê tông xi măng nội thôn; đóng góp trên 75 ngày công lao động và 12 triệu đồng để thực hiện làm giao thông, thủy lợi nội đồng, cứng hóa đường giao thông nông thôn bằng bê tông xi măng và chỉnh trang khuôn viên nhà văn hóa, khu thể thao cũng như các công trình phúc lợi khác, góp phần tích cực vào việc xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu và xã NTM kiểu mẫu. Ngoài ra, bản thân ông còn tích cực vận động nhân dân thực hiện các biện pháp vệ sinh an toàn lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất nông sản sạch theo quy trình VietGap, theo hướng nông nghiệp hữu cơ gắn với BVMT, góp phần bảo vệ sức khỏe con người, được hội viên nông dân và nhân dân đồng tình hưởng ứng.

     Việc làm ý nghĩa của hội viên, nông dân Lưu Hồ Lam đã tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, từ đó người dân hiểu được lợi ích thiết thực, lâu dài của việc hiến đất làm đường, tự nguyện đóng góp công sức, hiến một phần đất mở rộng đường giao thông nông thôn. Từ sự chung sức, đồng lòng của người dân, góp phần đưa diện mạo nông thôn khởi sắc từng ngày.  Với những kết quả đó, hàng năm, ông vinh dự được các cấp, các ngành ghi nhận, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen gia đình sản xuất - kinh doanh giỏi giai đoạn 2017 - 2018; Ban Chấp hành HND tỉnh trao Chứng nhận “Nông dân xuất sắc” năm 2019; UBND xã Ngọc Lương tặng Giấy khen “Thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng NTM” giai đoạn 2016 - 2020. Năm 2020 ông vinh dự được tham dự Đại hội thi đua yêu nước HND Việt Nam lần thứ V và nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực hội viên nông dân tham gia xây dựng NTM. Từ những đóng góp cụ thể, thiết thực cho địa phương, ông Lưu Hồ Lam và gia đình xứng đáng là tấm gương cho mọi người học tập, làm theo.

     Cùng với gia đình ông Lưu Hồ Lam, gia đình ông Vũ Văn Thái, xóm Đại Đồng, xã Ngọc Lương cũng được biết đến là một trong những hộ nông dân SXKD giỏi, luôn tiên phong, hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Gia đình ông đã thành công với mô hình trồng bưởi Diễn kết hợp nuôi gà thịt và bò sinh sản, cho thu nhập bình quân mỗi năm trên 400 triệu đồng, góp phần tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động địa phương, với mức thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng và 10 lao động thời vụ. Gia đình ông tiên phong hiến 100 m2 đất nông nghiệp để làm đường giao thông, công trình thủy lợi và hiến 100 m2 đất thổ cư làm đường giao thông xóm. Ngoài ra còn có hộ gia đình ông Bùi Văn Lư, xã Lạc Lương với mô hình nuôi ong lấy mật; Mô hình chăn nuôi bò sinh sản của bà Bùi Thị Thanh, xã Yên Trị…

An vi

 

 

Ý kiến của bạn