Banner trang chủ

Đông Anh - Địa phương đi đầu trong triển khai các sản phẩm đặc sản và xúc tiến thương mại của Hà Nội

29/06/2021

    Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) Hà Nội tại Hội nghị Đánh giá, phân hạng, nâng cấp sản phẩm OCOP đợt 1/2020, ngày 26/9/2020.

Ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội đánh giá cao nỗ lực của huyện Đông Anh trong Chương trình OCOP

   Đông Anh là huyện ngoại thành nằm ở phía Bắc Thủ đô Hà Nội. Nơi đây có nhiều làng nghề và vùng sản xuất nông nghiệp tập trung nên có lợi thế để phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Phát huy tiềm năng và lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, làng nghề, đến nay, trên địa bàn huyện Đông Anh đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo quy hoạch như vùng sản xuất rau hữu cơ, vùng sản xuất rau an toàn, vùng trồng cam hữu cơ sinh học, vùng sản xuất lúa hàng hóa… Huyện cũng có nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi có giá trị kinh tế cao, an toàn đạt tiểu chuẩn quy định: Tiêu chuẩn hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm giới hạn (HACCP), VietGAP… Đặc biệt, huyện đã hình thành nhiều cơ sở sơ chế, chế biến, chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để gia tăng giá trị sản phẩm. Đông Anh còn có nhiều làng nghề, làng nghề truyền thống được bảo tồn, phát huy như làng làm bún Mạch Tràng, tương Việt Hùng, bánh chưng Liên Hà, đậu làng Chài Võng La...

    Thực tế ở nhiều nơi cho thấy, phát triển Chương trình OCOP có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông thôn, vừa khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm vừa góp phần tạo việc làm cho lao động, bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống, giá trị văn hóa. Nhận thức được vai trò, ý nghĩa của Chương trình OCOP, thời gian qua, Đông Anh đã tập trung cao độ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình theo tinh thần Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 và Quyết định số 3629/QĐ-UBND ngày 8/7/2019 của UBND TP. Hà Nội về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm thành phố đến năm 2020.

Nhiều sản phẩm tiêu biểu của huyện Đông Anh góp mặt tại Hội nghị Đánh giá phân hạng, nâng cấp sản phẩm OCOP lần 1/2020

   Theo đó, UBND huyện Đông Anh đã ban hành Kế hoạch số 231/KH-UBND ngày 2/8/2019 về việc triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm đến năm 2020. Trong đó, mục tiêu đến hết năm 2020, trên địa bàn huyện có từ 30 - 40 sản phẩm được thành phố đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao, tập trung ở nhóm thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, đồ uống, du lịch… Đây là những sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở địa phương, đã có thương hiệu và đang tích cực xây dựng, phát triển thương hiệu. Để thực hiện mục tiêu trên, UBND huyện đã nghiêm túc xây dựng kế hoạch, thành lập hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP gồm 7 thành viên do đồng chí Nguyễn Xuân Linh - Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện làm Chủ tịch hội đồng và triển khai đến các xã, thị trấn, cơ sở sản xuất, hợp tác xã và hộ kinh doanh đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. 

    Cùng với đó, tháng 8/2019, UBND huyện đã tổ chức trưng bày 20 gian hàng giới thiệu 200 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP của huyện nhân dịp Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Đông Anh. Đồng thời, UBND huyện cũng chủ trì, phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị về triển khai tổ chức Chương trình OCOP; chỉ đạo UBND các xã, thị trấn trên địa bàn Huyện xây dựng xong kế hoạch triển khai Chương trình; tổng hợp đăng ký của các chủ thể tham gia Chương trình;… Để Chương trình OCOP được triển khai bền vững, Đông Anh cũng tổ chức hội nghị hướng dẫn lập hồ sơ sản phẩm đăng ký tham dự chương trình; chỉ đạo tổ chức khảo sát, hướng dẫn trực tiếp tại các cơ sở sản xuất có sản phẩm đăng ký để lựa chọn, đánh giá, phân hạng. Là huyện đầu tiên của Hà Nội tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP cấp huyện nhưng Đông Anh đã được thành phố đánh giá cao trong công tác tổ chức. Ngày 14/11/2019, UBND huyện đã tổ chức đánh giá, phân hạng 20 sản phẩm này. Năm 2020, huyện thực hiện 2 đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm trong Chương trình OCOP của TP. Hà Nội. Cụ thể, đợt 1, huyện đánh giá vào tháng 9/2020, có 38 sản phẩm đạt OCOP. Tháng 12/2020, huyện tiếp tục đánh giá đợt 2, có 40/42 sản phẩm đạt OCOP. Các sản phẩm đạt OCOP của Đông Anh rất đa dạng, phong phú như: Rau, củ, quả, gạo đến từ các xã: Nguyên Khê, Cổ Loa, Dục Tú; Nông sản chế biến: Bánh gio, bánh chưng xã Thụy Lâm; đậu phụ làng Chài, xã Võng La; sản phẩm thủ công mỹ nghệ: Đồ gỗ các xã Vân Hà, Liên Hà... Ngoài sản phẩm đặc sắc của các làng nghề thủ công truyền thống trên địa bàn huyện, nhiều thực phẩm tươi sống và chế biến cũng là thế mạnh, chiếm tỷ lệ lớn trong nhóm sản phẩm OCOP của Đông Anh, như: Đậu phụ trắng làng chài của Hợp tác xã Thanh niên Võng La; ống hút từ rau, củ, quả của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Sông Hồng…

Các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt 2/2020

   Nói về sản phẩm ống hút được làm từ rau, củ, quả, ông Lê Văn Tám - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Sông Hồng cho biết, đây là lần đầu tiên sản phẩm của Hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP và đã đạt 5 sao. Để có kết quả đó, Hợp tác xã đã đầu tư rất bài bản cho dây chuyền sản xuất ống hút thân thiện với môi trường. Một chiếc ống hút đạt chuẩn đòi hỏi qua nhiều công đoạn, mỗi công đoạn có yêu cầu riêng vì nguyên liệu là sản phẩm hữu cơ, không sử dụng chất bảo quản. Các ống hút được làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau nên màu sắc khá bắt mắt. Khi đến tay người tiêu dùng, ống hút bảo đảm sự đồng đều, đẹp; bảo đảm độ cứng trong vòng 10 tiếng ở môi trường nóng hoặc lạnh. Ngoài công dụng chính để uống nước thì loại uống hút này có thể xào, luộc, nhúng lẩu... thậm chí là rán thành các loại snack (thức ăn nhẹ), tạo nên những món ăn giàu dinh dưỡng, lạ miệng.

   Như vậy, năm 2020, Đông Anh đã có 78/80 sản phẩm được đánh giá, phân hạng đạt OCOP. Việc tổ chức phân hạng và nâng cấp sản phẩm OCOP sẽ tạo động lực và là cơ sở để các chủ thể tham gia được khảo sát, đánh giá thực chất sản phẩm đã đạt được đầy đủ tiêu chí hay chưa. Đồng thời là cơ hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm trước cơ quan chức năng, truyền thông và đến gần hơn với người tiêu dùng.

    Nhằm nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường, huyện Đông Anh cũng đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ điện tử trong việc tiêu thụ, quản lý các sản phẩm. Cụ thể, sử dụng mã hình QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm trên địa bàn, gắn tem truy xuất cho trên 600 sản phẩm các loại tại 70 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến.

Đồ thủ công mỹ nghệ là một trong nhũng sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện Đông Anh

    Qua gần 2 năm triển khai Chương trình OCOP đã tạo được động lực phát triển khối kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, góp phần giải quyết việc làm, phát huy lợi thế về tiềm năng của địa phương; Thực hiện có hiệu quả mục tiêu, chương trình, sản phẩm được phát triển từ thấp đến cao và từng bước hoàn thiện, đảm bảo tiêu chuẩn về mẫu mã, được người tiêu dùng đón nhận. Chương trình cũng đã khẳng định hướng đi đúng đắn, sâu sắc, bài bản của huyện trong việc phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, gắn các tổ chức sản xuất với sản phẩm; Phát huy những thế mạnh của địa phương, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất và là thương hiệu riêng của huyện Đông Anh, một trong những nội dung quan trọng trong xây dựng NTM. Dựa trên những kết quả đã đạt được của Chương trình OCOP, ngày 17/7/2020 UBND huyện Đông Anh đã ban hành Quyết định số 4009/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án “Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn huyện Đông Anh giai đoạn 2020 - 2025”. Theo đó, huyện bố trí kinh phí và chỉ đạo các xã, thị trấn, đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát, đánh giá sản phẩm đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế trên địa bàn. Trên cơ sở rà soát được 270 sản phẩm tiềm năng, huyện đã và đang hỗ trợ các chủ thể tập huấn, hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, đạt các tiêu chí dự thi đánh giá, phân hạng Chương trình OCOP từ nay đến năm 2025. Đồng thời, tiếp tục triển khai rà soát các tổ chức kinh tế, các sản phẩm tiềm năng để hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất đăng ký tham gia, hoàn thiện; ưu tiên việc nâng cấp, phát triển các sản phẩm đã được công nhận; Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất tham gia hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài thành phố; Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP với các siêu thị, trung tâm thương mại, tạo chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị cho người sản xuất; sản phẩm có chất lượng cao, an toàn, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng; Tăng cường công tác quản lý chất lượng theo hệ thống truy xuất, các tiêu chí, tiêu chuẩn của các ngành, các lĩnh vực…

 

Đậu phụ sạch Dafusa là một trong những sản phẩm OCOP đạt 4 sao của huyện Đông Anh

Phương Tâm

(Trang báo có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP. Hà Nội)

 

Ý kiến của bạn