Banner trang chủ

Đánh thức tiềm năng phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn làng nghề ở Làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân

14/07/2021

   Hà Nội được mệnh danh là “Đất trăm nghề” với rất nhiều làng nghề truyền thống, đã có những đóng góp không nhỏ trong nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển. Số lượng, cơ cấu nhóm ngành nghề gồm 4 nhóm: Chế biến, bảo quản nông sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh. Các sản phẩm của làng nghề trên địa bàn thành phố đa dạng chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước và nước ngoài. Trong công tác xây dựng sản phẩm du lịch và chất lượng sản phẩm du lịch ở khu vực nông thôn, việc phát triển sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống được thành phố xác định là một trong thế mạnh. Hiện thành phố có 17 làng nghề truyền thống được công nhận nằm trong Dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch. Trong số đó, Làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín) nhờ phát triển theo hướng du lịch sinh thái làng nghề, đã đem lại thu nhập ổn định hơn cho người dân.

Xã Hồng Vân nhận quyết định công nhận điểm Du lịch hấp dẫn của Thành phố năm 2019

   Trải dài theo dọc bờ đê sông Hồng, xã Hồng Vân nằm ở phía Đông huyện Thường Tín, cách trung tâm TP. Hà Nội 20 km về phía Nam, với diện tích tự nhiên 4,2 km2, là một trong 13 xã của Hà Nội được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao tính đến nay. Đây cũng là địa phương đầu tiên được TP. Hà Nội lựa chọn thí điểm xây dựng NTM kiểu mẫu. Về giao thông, Hồng Vân có nhiều thuận lợi về. Phía Đông có sông Hồng, đây là đường giao thông huyết mạch của cả vùng Bắc Bộ xưa kia, với nhiều tàu bè qua lại và cập bến ở cảng Hồng Vân. Hồng Vân còn có đường tỉnh lộ 427 chạy qua địa bàn xã và tuyến đường đê sông Hồng nối liền các xã miền Đông của huyện. Do vị trí và giao thông thuận lợi nên Hồng Vân có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội và du lịch.

    Đầu những năm 2000, ở Hồng Vân phát triển mạnh mẽ nghề trồng các loại cây cảnh cung cấp cho thị trường. Một thời ở đây, nhà nhà trồng cây cảnh, có tiếng cả một vùng. Năm 2008, hai làng Cơ Giáo, Xâm Xuyên được công nhận là làng nghề sinh vật cảnh. Đây là cơ hội để những người nông dân Hồng Vân bằng bàn tay khối óc làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Nhưng cũng như bao làng nghề khác, nghề trồng cây cảnh ở Hồng Vân cũng phải hứng chịu những cơn bão của thị trường. Năm 2011, kinh tế trong nước gặp khó khăn, khách tìm đến mua cây cảnh ngày một ít, nghề trồng cây cảnh ở Hồng Vân bị ảnh hưởng nặng nề. Giữa lúc khó khăn, cấp ủy, chính quyền xã Hồng Vân bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng NTM; đồng thời, xác định phát triển kinh tế du lịch là hướng đi đúng đắn, tất yếu để khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch của xã, từng bước nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Quá trình xây dựng NTM, dồn điền đổi thửa, xã đã hoàn thành quy hoạch tổng thể và các quy hoạch chi tiết; tập trung quy hoạch Điểm du lịch của xã trên cơ sở 2 làng nghề sinh vật cảnh và các vùng sản xuất nông nghiệp.

Một hộ làm cây cảnh ở xã Hồng Vân, huyện Thường Tín 

    Nắm bắt xu hướng của thị trường, các hộ dân ở làng Hồng Vân đã chuyển đổi từ việc trồng các loại cây cảnh có giá trị lớn như sanh, si, tùng, mai... sang các loại cây phổ biến, mang lại hiệu quả kinh tế cao, như hoa hồng, giấy, lộc vừng hay các loài thảo dược và cây ăn quả. Năm 2013, xã đã thành lập Ban chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó, có tiểu ban sưu tầm cây cảnh trồng trên các trục đường lớn, đáp ứng các tiêu chí hoa mới, lạ, mỗi mùa một loài hoa nở; 1 tiểu ban thị trường chuyên khảo sát, nắm bắt tâm lý và nhu cầu thị trường để vận động người dân trồng cây phù hợp. Chính quyền địa phương còn vận động người dân trồng hoa hai bên đường làng, ngõ xóm nhằm tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, phát triển các trang trại phục vụ du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái. Nhờ đó, từ một xã nông nghiệp, làng nghề trước đây, những năm gần đây, Hồng Vân phát triển theo hướng xây dựng xã du lịch sinh thái làng nghề sinh vật cảnh, chuyên canh sản xuất nông nghiệp kết hợp với khai thác dịch vụ. Năm 2017, các điểm du lịch trên địa bàn xã Hồng Vân đã đón 3,5 vạn lượt khách thăm quan, trong đó có 2 đoàn khách quốc tế. Đến tháng 11/2019, Hồng Vân đón gần 6 vạn lượt khách và môt số đoàn khách nước ngoài về thăm quan trải nghiệm, giá trị thu về ước đạt trên 6 tỷ đồng.

    Nhờ sự chung sức đồng lòng của cán bộ và nhân dân, tháng 11/2018, Hồng Vân được TP. Hà Nội công nhận là điểm Du lịch Làng nghề sinh thái. Theo đó, điểm Du lịch Làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân có diện tích 128 ha, bao gồm 6 khu: Khu trung tâm xã 26 ha; Khu sản xuất và trưng bày sản phẩm làng nghề sinh vật cảnh 46,6 ha; Khu sản xuất nông nghiệp chuyên canh, các mô hình trang trại kết hợp khai thác dịch vụ trải nghiệm 17,9 ha; Khu ẩm thực đồng quê 1,3 ha; Khu chuyên canh hoa đào 19ha; Khu kinh tế trang trại kết hợp khai thác dịch vụ 17,2 ha. Trong đó, các địa điểm của Điểm Du lịch Làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân thu hút đông khách du lịch gồm: Nông trại Giáo dục; Hợp tác xã hoa cây cảnh và Dịch vụ Hồng Vân; Khu trồng cây ăn quả kết hợp với khai thác dịch vụ tâm linh trải nghiệm dọc sông Hồng như: đền Xâm Thị và đền thờ Chử Đồng Tử phục vụ khách thập phương có nhu cầu về tín ngưỡng và vãn cảnh ven sông Hồng.

    Đặc biệt, trong Lễ khai mạc Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ nhất năm 2019, ngày 14/12/2019 diễn ra tại Khu hội chợ triển lãm, giao dịch kinh tế và thương mại số 489 đường Hoàng Quốc Việt do UBND TP. Hà Nội phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức, sản phẩm Trà chùm ngây của HTX Hoa cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân vinh dự được trao Giấy chứng nhận OCOP đạt thứ hạng 4 Sao của thành phố. Đây là một trong những hoạt động nhằm khuyến khích, ghi nhận, động viên sự đổi mới, khai thác thế mạnh đặc sản của các địa phương.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu trao Giấy chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP cho Giám đốc HTX Hoa cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân (đứng thứ 6 từ phải sang)

    Phát biểu tại Hội nghị “Phát triển hoa, cây cảnh - Ngành kinh tế sinh thái trong xây dựng NTM và đô thị văn minh” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 23/4/2021, ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM Hà Nội cho biết, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng NTM và đô thị văn minh, Thành uỷ Hà Nội đã ban hành Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025”. Theo đó, phát triển hoa, cây cảnh được thành phố xác định là lĩnh vực trọng tâm trong phát triển ngành nghề nông thôn. Do đó, các quận, huyện, thị xã cần làm tốt quy hoạch để hoa, cây cảnh trở thành ngành hàng mũi nhọn trong phát triển kinh tế, cải thiện môi trường. Nhận thức được điều này, với slogon “Người Hồng Vân thân thiện mến khách”, để phát triển du lịch cộng đồng, thời gian tới Làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân sẽ tập trung xây dựng cảnh quan môi trường, ý thức người dân trong việc tạo ra nét văn hóa ứng xử đối vưới du khách và không mang nặng kinh tế theo đúng tiêu chí. Hy vọng rằng với những tiền đề thuận lợi đã có, được sự quan tâm lãnh đạo của cấp trên và bằng sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, xã Hồng Vân sẽ tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, phấn đấu hoàn thành kế hoạch xây dựng NTM kiểu mẫu từ đó đưa các nội dung của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 vào cuộc sống; đồng thời xây dựng Hồng Vân trở thành điểm du lịch lớn của huyện Thường Tín, xứng đáng là miền quê đáng sống.

Châu Long

(Trang báo có sự phối hợp của Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội)

Ý kiến của bạn