Banner trang chủ

Chương trình số 04-CTr/TU: Bước chuyển quan trọng trong xây dựng nông thôn mới Hà Nội

01/06/2021

    Xác định phát triển nông nghiệp - nông thôn - nông dân phải đi đôi với bảo vệ môi trường, ngày 26/4/2016, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 2020”. Sau 5 năm thực hiện, với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, công tác xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân trên địa bàn TP. Hà Nội đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Tiếp nối thành công của Chương trình số 02-CTr/TU, ngày 17/3/2021, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 04-CTr/TU về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025". Đây là Chương trình có nhiều nét mới, hướng tới mục tiêu phát triển mạnh mẽ hơn nữa "tam nông" - nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến truyền đạt nội dung của Chương trình số 04-CTr/TU tại Hội nghị trực tuyến cán bộ chủ chốt học tập, nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền 10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 ngày 22/4/2021

    Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), Hà Nội xác định, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ hết sức quan trọng, mặc dù tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng khu vực nông thôn vẫn là nơi cung cấp sản phẩm nông nghiệp cho Thủ đô, là bệ đỡ cho phát triển dịch vụ, công nghiệp và đảm bảo an toàn trật tự, an ninh nông thôn. Đến hết năm 2020, TP. Hà Nội đã có 7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, 6 huyện đã trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020; 368/382 xã (chiếm 96,3%) đạt chuẩn NTM, 29 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 33,0 triệu đồng/người/năm năm 2015 lên 55 triệu đồng/người/năm năm 2020… Tuy nhiên, việc xây dựng NTM vẫn chủ yếu từ nguồn ngân sách Nhà nước; hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nông thôn đầu tư còn thiếu đồng bộ; công tác tổ chức sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ còn chuyển biến chậm; việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế; thu nhập và đời sống của nông dân còn thấp, chênh lệch giữa thành thị và nông thôn ngày càng cao; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực nông thôn còn tiềm ẩn phức tạp… Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; sự phát triển của các địa phương không đồng đều; tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tác động của thị trường, thiên tai, dịch bệnh; năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành ở một số địa phương, đơn vị còn thiếu sự năng động, sáng tạo…

    Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được của giai đoạn 2016 - 2020 cùng những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân, Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đề ra 3 mục tiêu chính.

    Thứ nhất, về xây dựng NTM, chương trình tiếp tục đặt ra mục tiêu này nhưng ở một tầm mức mới, đó là xây dựng NTM theo hướng phát triển đô thị với quan điểm, mục tiêu tổng quát: Xây dựng NTM cần thực hiện thực chất hơn, thiết thực hơn, hiệu quả và bền vững hơn gắn liền với quá trình đô thị hóa, có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc, NTM phồn vinh, văn minh và hiện đại... 

    Thứ hai, cùng với xây dựng NTM, Chương trình số 04-CTr/TU cũng đặt vấn đề về phát triển nông nghiệp nhưng so với Chương trình số 02-CTr/TU của giai đoạn trước, Chương trình lần này có nhiều điểm mới, đặc biệt là việc tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn. Trong đó, Hà Nội sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn liền với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng NTM, hướng tới phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; xác định tái cơ cấu nông nghiệp là nền tảng then chốt, xây dựng NTM là căn bản, nông dân là chủ thể. Thành phố tập trung phát triển mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị; thực hiện tốt việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh, cây công trình phục vụ dịch vụ nông nghiệp, đô thị...

    Ngoài ra, Hà Nội sẽ củng cố hoạt động và thành lập mới các hợp tác xã; phát triển kinh tế trang trại bền vững, đẩy mạnh triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với phát triển các làng nghề, nghề truyền thống, nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ hỗ trợ công nghiệp và nông nghiệp, trong đó ưu tiên những loại hình dịch vụ mới mang lại hiệu quả cao; đồng thời đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, ngành nghề nông thôn gắn với du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm.

    Thứ ba, đối với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân, Chương trình số 04-CTr/TU đặt ra mục tiêu khuyến khích phát triển các mô hình xử lý nước thải, chất thải làng nghề, rác thải sinh hoạt tại nguồn, ứng dụng công nghệ tái sử dụng chất thải nông nghiệp, làng nghề phục vụ nền kinh tế tuần hoàn; phát triển các mô hình thôn, xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh; bảo đảm an sinh xã hội đối với các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo khu vực nông thôn. 

   Gắn với 3 mục tiêu, Chương trình số 04-CTr/TU đề ra 3 nhóm chỉ tiêu tương ứng cụ thể như: Đến năm 2025, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 20% số huyện và 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mói nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; Tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản hằng năm đạt 2,5 - 3%; Tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70%; Đánh giá, phân hạng được 2.000 sản phẩm OCOP trở lên; Thu nhập của nông dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 80 triệu đồng/người/năm; Cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố; Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ở các huyện, thị xã đạt 95% trở lên; Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn đtạ 100%; tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đạt 100%; tỷ lệ cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải đạt 100%...

Giám đốc Sở NNN&PTNT Hà Nội, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM Hà Nội Chu Phú Mỹ phát biểu tại Hội nghị giao ban, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội trong quý I và bàn nhiệm vụ, giải pháp các tháng còn lại của năm 2021

Thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng NTM

    Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu trên, Chương trình số 04-CTr/TU, Thành ủy Hà Nội khóa XVII đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể, đối với xây dựng NTM, Thành ủy Hà Nội nêu rõ 7 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò then chốt, từ đó tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động.

    Theo đó, Hà Nội sẽ rà soát, bổ sung quy hoạch, đề án xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu bảo đảm phù hợp với quy hoạch và bộ Tiêu chí quốc gia xây dựng NTM theo hướng phát triển đô thị. Trọng tâm là hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; tập trung xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; xây dựng NTM theo hướng tiêu chí đô thị, nhất là với các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng sẽ phát triển lên quận giai đoạn 2021 - 2025... Đặc biệt, Hà Nội sẽ tập trung huy động các nguồn lực của Nhà nước và xã hội đầu tư thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU giai đoạn 2021 - 2025 với tổng nguồn vốn dự kiến khoảng 92.680 tỷ đồng (tăng khoảng 15% so với giai đoạn 2016 - 2020)...

    Đối với nhiệm vụ, giải pháp về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, Thành ủy Hà Nội chỉ ra 10 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, việc cơ cấu lại các lĩnh vực sản xuất sẽ tập trung quản lý, sử dụng chặt chẽ đất đai; xây dựng chuỗi giá trị nông sản chủ lực; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh nông nghiệp...

    Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội đã chỉ rõ nhiệm vụ, giải pháp đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể là rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, chú trọng lĩnh vực chế biến sâu. Thành phố cũng sẽ đơn giản các thủ tục đăng ký cấp giấy phép kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính và các dịch vụ công; tăng cường chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp về tín dụng, mặt bằng kinh doanh, thuế, xúc tiến thương mại, đào tạo...

    Về phát triển kinh tế nông thôn, Hà Nội đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Cụ thể, thành phố sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn, đổi mới, phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức sản xuất phù hợp như: Mỗi năm thành lập mới từ 70 hợp tác xã trở lên, hỗ trợ ít nhất từ 50 hợp tác xã trở lên thực hiện Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025; triển khai chính sách thí điểm đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học, trên đại học về làm việc tại các hợp tác xã...

    Mặt khác, Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại; phát triển ngành nghề và kinh tế nông thôn thông qua việc hỗ trợ thực hiện quy hoạch phát triển làng nghề, ngành nghề, các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ nông thôn; đồng thời đầu tư xây dựng mới và cải tạo các chợ đầu mối, chợ dân sinh nông thôn.

    Về nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân, Hà Nội triển khai 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường và an sinh xã hội, xây dựng miền quê đáng sống; đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động cao các nguồn lực, phát triển nhanh kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; khuyến khích nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn; hỗ trợ, khuyến khích nông dân tham gia bảo hiểm xã hội...

 

Hà Nội dẫn đầu cả nước về số xã NTM

    Để Chương trình số 04-CTr/TU đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, mới đây, Thành ủy Hà Nội tiếp tục ban hành Kế hoạch số 08-KH/BCĐ về tổ chức thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU và Quyết định số 06-QĐ/BCĐ ngày 25/5/2021 về Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU. Kế hoạch số 08-KH/BCĐ nêu rõ, các tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, cùng toàn thể nhân dân Thủ đô nghiên cứu, quán triệt mục tiêu, ý nghĩa và nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình số 04-CTr/TU để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả. Đồng thời, gắn nhiệm vụ triển khai thực hiện chương trình với quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhằm đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình; nâng cao năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố tới cơ sở giai đoạn 2021 - 2025.

    Cùng với đó, các cấp, ngành từ thành phố tới cơ sở, căn cứ Chương trình số 04-CTr/TU và tình hình thực tiễn để vận dụng, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể của địa phương, đơn vị. Xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, nhiệm vụ trọng tâm, những khâu đột phá và giải pháp chủ yếu, phân công tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm chỉ đạo, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện chương trình. Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU giúp Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo triển khai thực hiện; hằng quý, tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai thực hiện chương trình ở các cấp ủy trực thuộc, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố; bổ sung các nội dung, nhiệm vụ phát sinh, giải pháp để thực hiện có hiệu quả chương trình; định kỳ báo cáo sơ kết, tổng kết thực hiện chương trình.

    Mặc dù mới bắt đầu triển khai được ít ngày nhưng Chương trình số 04-CTr/TU đã bước đầu đem lại hiệu quả. Tại Hội nghị giao ban, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội trong quý I và bàn nhiệm vụ, giải pháp các tháng còn lại của năm 2021, Giám đốc Sở NNN&PTNT Hà Nội, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, những tháng đầu năm 2021, việc thực hiện Chương trình 04-CTr/TU trên địa bàn thành phố đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận thêm 5 huyện (Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn) đạt chuẩn NTM, đưa tổng số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM lên 12/18 huyện, thị xã. Trong đó, huyện Đan Phượng đã hoàn thành 100% xã NTM nâng cao, đang phấn đấu huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2021. Đến hết quý I, thành phố có 141 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Hà Nội đã xây dựng được 14 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn; xây dựng Đề án "Trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái của quốc gia tại TP. Hà Nội”…

Phấn đấu đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 100% huyện, xã đạt chuẩn NTM

    Có thể nói, Chương trình 04-CTr/TU là Chương trình có nhiều nét mới, đòi hỏi cả về chất và lượng cao hơn so với Chương trình 02-CTr/TU của nhiệm kỳ trước, nếu làm tốt sẽ tạo bước chuyển mạnh mẽ cho "tam nông" phát triển nhanh, bền vững, để nông thôn Hà Nội thực sự trở thành những miền quê đáng sống. Do đó, các cấp, các ngành của Hà Nội cần xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, nhiệm vụ trọng tâm, những khâu đột phá và giải pháp chủ yếu để có được những bước đi vững chắc. Hành trình xây dựng NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu ở thành phố Hà Nội vẫn còn cả chặng đường dài phía trước. Đây là một quá trình liên tục, không hề dễ dàng và đòi hỏi những nỗ lực không ngừng nghỉ của hệ thống chính trị các cấp và toàn thể người dân Thủ đô, với những giải pháp đồng bộ và toàn diện để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao, hướng đến xây dựng thành công các xã NTM kiểu mẫu.

Đỗ Hương

(Trang báo có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP. Hà Nội)

Ý kiến của bạn