Banner trang chủ

Chương trình mỗi xã một sản phẩm tại Lâm Đồng: Động lực mới của kinh tế nông thôn

17/11/2021

    Cùng với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Lâm Đồng đang tích cực triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị sản phẩm, nhằm sớm hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM năm 2021 và những năm tiếp theo. Định hướng này đã giúp nhiều nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tạ địa phương khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa giá trị, có thương hiệu, góp phần chuyển đổi mô hình sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

    Địa phương có sản phẩm OCOP tăng nhanh cả về số lượng và giá trị

    Lâm Đồng là một trong 9 tỉnh, thành phố được Chính phủ lựa chọn triển khai thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030. Khi bắt đầu triển khai Chương trình, tỉnh đề ra mục tiêu xây dựng được 20 sản phẩm và ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc thù, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao và chế biến theo hướng chuyên sâu nhằm gia tăng giá trị; đẩy mạnh các hình thức tổ chức, liên kết sản xuất mà trọng tâm là phát triển những chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với các hộ nông dân; thực hiện tốt việc đánh giá, xếp hạng sản thẩm theo tiêu chuẩn OCOP; ưu tiên đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm của Chương trình OCOP. Bên cạnh đó, địa phương luôn chú trọng đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức, liên kết sản xuất; đẩy mạnh phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, đặc biệt là tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến các sản phẩm OCOP theo hướng chuyên sâu, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích canh tác lên gấp nhiều lần so với trước đây. Ngoài ra, để giảm tỷ lệ hộ nghèo, Chương trình OCOP được tỉnh đẩy mạnh với nhiều chính sách kích cầu đầu tư, hỗ trợ nguồn vốn, cơ sở hạ tầng đặc thù theo từng địa phương cụ thể. Ở góc độ địa phương, chính quyền cũng có những cơ chế riêng để hỗ trợ người dân phát huy giá trị những cây trồng chủ lực, thêm vào đó là sự sáng tạo của các chủ thể trong quá trình thực hiện. Điển hình như Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương. Đây là một trong những chủ thể có sản phẩm được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao OCOP của tỉnh Lâm Đồng. Để đạt được chứng nhận này, chủ trang trại đã mạnh dạn chi 2,2 tỷ đồng xây dựng nhà kính để trồng rau thủy canh và 5,5 tỷ đồng lắp đặt hệ thống thủy canh hồi lưu, cùng nhiều thiết bị phụ trợ, phục vụ quá trình sản xuất. Ngoài ra, trang trại còn áp dụng quy trình chăm sóc, đóng gói rau theo tiêu chuẩn châu Âu, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.

Các loại rau của Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao OCOP

    Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng chia sẻ, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 về việc phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 2301/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình trên địa bàn. Theo đó, tỉnh xác định rõ số lượng, danh mục các sản phẩm cần xây dựng; đối tượng thực hiện, cơ chế hỗ trợ, kinh phí và nguồn vốn triển khai. Đối với các chủ thể tham gia Chương trình OCOP, được tập huấn kỹ thuật, kiến thức marketing, vay vốn với lãi suất ưu đãi, tham gia những chương trình xúc tiến thương mại do tỉnh và huyện tổ chức…

    Từ năm 2018 đến nay, Lâm Đồng đã huy động được gần 23 tỷ đồng để thực hiện kế hoạch phát triển Chương trình OCOP, trong đó, ngân sách Trung ương hơn 12,5 tỷ đồng, địa phương hơn 750 triệu đồng và huy động từ chủ thể, người dân là hơn 9,5 tỷ đồng. Đến nay, sau 3  năm thực hiện, sản phẩm OCOP của địa phương tăng nhanh cả về số lượng và giá trị, toàn tỉnh đã xây dựng được 123 sản phẩm, vượt xa so với mục tiêu ban đầu đề ra. Trong số đó, có 51 sản phẩm được công nhận 3 sao; 65 sản phẩm được công nhận 4 sao; 7 sản phẩm đã trình Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP Trung ương công nhận 5 sao (Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng). Kết quả này là sự nỗ lực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống người dân trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, từng bước thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất. Thông qua Chương trình OCOP, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Lâm Đồng như: Mắc-ca Lâm Hà, trà Ôlong, rau, hoa Đà Lạt, hồng sấy gió theo công nghệ Nhật Bản, atiso, cà phê Catimo và Arabica Cầu Đất, lúa nếp Quýt Đạ Tẻh, lúa Hạt Ngọc Cát Tiên, chuối LaBa Phú Sơn, rượu cần Châu Mạ bản Buôn Go... đã “có sao, có vạch”, không ngừng vươn xa trên thị trường.

Hồng sấy gió, sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đất Làng Cầu Đất, TP. Đà Lạt

    Có thể thấy, hiệu quả của Chương trình OCOP đã và đang tạo ra sức hấp dẫn lớn đối với nhiều hợp tác xã, hộ nông dân, doanh nghiệp, góp phần chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và cải thiện thu nhập cho người dân khu vực nông thôn tỉnh Lâm Đồng. Phát huy kết quả đã đạt được, tới đây, tỉnh sẽ đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm tiềm năng, được xem là lợi thế của địa phương và động viên người dân, doanh nghiệp kết nối thành chuỗi, nhằm tạo nên sản phẩm đủ tiêu chuẩn công nhận OCOP; kết hợp phát triển mô hình du lịch canh nông để phát triển kinh tế. Sở NN&PTNT cũng đang khẩn trương hoàn thiện Đề án phát triển nông nghiệp theo hướng đa lĩnh vực, đa ngành và du lịch gắn với nông nghiệp… Với những mục tiêu đề ra, tỉnh phấn đấu từ nay đến năm 2025 sẽ phát triển thêm 168 sản phẩm OCOP, trong đó có 70 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao; 80 sản phẩm đạt 4 sao; 18 sản phẩm đạt 5 sao. Hiện đã có 130 chủ thể đăng ký tham gia Chương trình, trong đó, có 26 hợp tác xã; 95 doanh nghiệp vừa và nhỏ; 9 cơ sở và hộ cá thể. Tổng kinh phí dự kiến đầu tư cho Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 của địa phương là 80 tỷ đồng…

    Đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng gắn với Chương trình OCOP

    Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra, tỉnh Lâm Đồng đang chú trọng phát triển du lịch gắn kết với sản phẩm nông nghiệp nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng. Mô hình du lịch cộng đồng (DLCĐ) đang được tỉnh, lãnh đạo ngành nông nghiệp đặc biệt quan tâm, xem đây là cơ hội để nâng tầm du lịch của tỉnh và nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Ngoài cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và kiến trúc độc đáo, lại có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển đa dạng cây trồng, với diện tích canh tác nông nghiệp khoảng 278.882 ha; trong đó, diện tích canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 53.429 ha, chiếm 19,2% tổng diện tích đất canh tác và đứng đầu cả nước về diện tích canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cụ thể, hiện địa phương có hơn 21.000 ha trồng rau, hoa, cây đặc sản ứng dụng công nghệ tưới phun tự động; 50 ha trồng hoa, dâu tây áp dụng công nghệ cảm biến, tự động đồng bộ; 22 ha rau thủy canh và 41 ha canh tác trên giá thể; hơn 27.520 ha chè ứng dụng đồng bộ hệ thống tưới, bón phân tự động; 19.736 ha cà phê ứng dụng công nghệ cao...

    Trong những năm qua, nguồn nhân lực cho ngành du lịch của Lâm Đồng đã có bước phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng. Đầu năm 2020 xấp xỉ có 13.000 lao động (lưu trú 9.000 người; lữ hành, hướng dẫn và vận chuyển khách 1.550 người; khu, điểm du lịch 2.420 người; cơ quan quản lý về du lịch là 30 người); với khoảng 80% số lao động trực tiếp đã được đào tạo - bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn và ngoại ngữ, 60% tổng số lao động trực tiếp phục vụ tại các cơ sở kinh doanh du lịch có độ tuổi từ 18 - 35. Toàn tỉnh có 2 trường đại học, 4 trường cao đẳng có chuyên ngành đào tạo du lịch, có chương trình giảng dạy đáp ứng được yêu cầu thực tiễn theo hướng chuẩn hóa và hiện đại; đã đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ công tác tuyển dụng và sử dụng trên 4.000 sinh viên, học viên. Trước dịch COVID-19, Lâm Đồng có trên 2.500 cơ sở lưu trú du lịch, với gần 500 khách sạn có sao (39 khách sạn cao cấp từ 3 - 5 sao); 49 đơn vị kinh doanh lữ hành - vận chuyển du lịch (34 doanh nghiệp lữ hành quốc tế), 36 khu - điểm tham quan du lịch, 33 điểm du lịch canh nông theo tiêu chí cũ, 2 vườn quốc gia và hơn 60 điểm tham quan khác... Ngoài ra, Lâm Đồng hiện có 47 dân tộc anh em, với 27% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số còn lưu giữ nhiều phong tục, tập quán và văn hóa truyền thống... Tất cả những nguồn lực trên là tài nguyên quý giá để Lâm Đồng phát triển du lịch gắn với các sản phẩm OCOP.

    Lâm Đồng hiện có 142 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 111 xã, 18 phường và 13 thị trấn. 100% các xã đều có đồ án quy hoạch theo tiêu chí xây dựng NTM, với các khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung, mở rộng các mô hình sản xuất mới, gắn với làng nghề truyền thống và kết hợp công nghệ tiên tiến; đội ngũ doanh nhân trẻ khởi nghiệp có kiến thức quản trị tốt, hình thành các loại hình kinh tế "vừa sản xuất - kinh doanh - tiếp thị và du lịch tại chỗ". Việc xây dựng NTM đã giúp cho cảnh quan nông thôn có phần đẹp hơn, từ đồi chè, vườn dâu, đến các vườn rau sạch, các luống hoa đủ màu... Đặc biệt, cơ sở hạ tầng phát triển tạo nên môi trường thuận lợi cho việc phát triển du lịch tại các làng nghề truyền thống (Đà Lạt có làng hoa Vạn Thành, Hà Đông, Thái Phiên; Lâm Hà có Long Đỉnh Farm (trà), làng Đam Pao (dệt); Đơn Dương có trang trại bò sữa Vinamilk Organic, làng gốm, làng làm nhẫn bạc, làng nghề bánh tráng; Đức Trọng có làng Gà, Lạc Dương có thôn Bnơ C...). Trong khi đó, phát triển DLCĐ, du lịch canh nông gắn với các sản phẩm nông nghiệp là hướng đi cần thiết và quan trọng, vừa góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch, vừa khai thác tốt các giá trị văn hóa truyền thống, vừa bảo tồn, phát triển và mang lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách. Vì vậy, để phát triển DLCĐ gắn với Chương trình OCOP trong thời gian tới, Lâm Đồng sẽ tập trung ưu tiên thực hiện các giải pháp sau:

    Thứ nhất, nâng cao nhận thức cộng đồng để họ hiểu được về DLCĐ và Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh, từ đó, mỗi thành viên là một sứ giả cho sự phát triển thương hiệu du lịch tại địa phương. Đây được xem là giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế đẩy mạnh phát triển du lịch nói chung và DLCĐ gắn với sản phẩm OCOP nói riêng. 

Du khách khi đến với Đà Lạt rất hào hứng với hoạt động trải nghiệm hái dâu tại vườn

    Thứ hai, chú trọng xây dựng sản phẩm DLCĐ gắn với NTM và Chương trình OCOP; đẩy mạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm DLCĐ và sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, lễ hội văn hóa của các dân tộc bản địa gắn với hình ảnh du lịch địa phương để tạo điểm nhấn thu hút du khách.

    Thứ ba, phát huy thế mạnh của các làng nghề truyền thống (làng hoa, dệt thổ cẩm, trồng dâu, nuôi tằm ở Lâm Hà, dệt thổ cẩm ở Lạc Dương, đan lát ở Đức Trọng, nghề rèn của người Mạ, nặn gốm ở Đơn Dương…). Làng nghề không đơn thuần là nơi chế tác các sản phẩm thủ công truyền thống mà còn là môi trường văn hóa lưu giữ và trao truyền qua nhiều thế hệ những tinh hoa nghệ thuật công phu, tỉ mỉ, khéo léo. Với sự sáng tạo, các nghệ nhân đã tạo nên những sản phẩm độc đáo có tính nghệ thuật cao và kỹ thuật dân gian, những kinh nghiệm sản xuất cũng như phong tục, tập quán của cộng đồng, của các nghệ nhân.

    Thứ tư, gắn kết doanh nghiệp làm du lịch và các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP thực hiện tuyên truyền, quảng bá DLCĐ gắn với Chương trình OCOP của địa phương đến với du khách. Qua đó, góp phần xây dựng sản phẩm DLCĐ gắn với Chương trình OCOP đa dạng, độc đáo, đồng thời có sự chia sẻ lợi ích phù hợp đối với các bên tham gia.

    Thứ năm, tổ chức xây dựng các điểm DLCĐ và dịch vụ DLCĐ đảm bảo bộ tiêu chí để tạo một điểm đến chất lượng, có sức hấp dẫn mạnh mẽ và phát huy thế mạnh của DLCĐ; từng bước chuyển hóa các sản phẩm của DLCĐ tham gia Chương trình OCOP.

    Xây dựng mô hình DLCĐ gắn với Chương trình OCOP là bước đi đúng đắn mà Lâm Đồng đã chọn để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, BVMT sinh thái. Hơn thế nữa, DLCĐ gắn với Chương trình OCOP giúp quảng bá hình ảnh về đất nước, con người một cách gần gũi và chân thật nhất, tạo môi trường thuận lợi để địa phương mở rộng kỹ năng giao tiếp, kiến thức về các nền văn hóa khác nhau trong và ngoài tỉnh. Do đó, địa phương nên xây dựng mô hình DLCĐ gắn với Chương trình OCOP theo quan điểm liên kết tương hỗ giữa du lịch và nông nghiệp, xây dựng làng du lịch bền vững hướng đến giá trị xanh: Môi trường xanh, văn hóa xanh và phát triển trong sự hài hòa các mối quan hệ, góp phần nâng cao năng lực cộng đồng để tạo thêm các giá trị kinh tế cho sản phẩm địa phương.

Thu Hằng

(Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương)

Ý kiến của bạn