Banner trang chủ

Cần có chính sách và lộ trình thực hiện phù hợp cho các xã khu vực III đạt chuẩn nông thôn mới

10/12/2021

    Bảo Lạc là một huyện vùng cao biên giới nằm ở phía Tây của tỉnh Cao Bằng. Trên địa bàn huyện Bảo Lạc có nhiều dân tộc cùng chung sống, trình độ dân trí của đồng bào nơi đây còn hạn chế. Cùng với đó, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn đã và đang là thực tế ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM). Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cán bộ và nhân dân trên địa bàn huyện, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Bảo Lạc đã đạt những kết quả đáng ghi nhận.

    Để hiểu rõ về vấn đề này, Tạp chí Môi trường đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc về những giải pháp để tiếp tục thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (MTQGXDNMT) theo hướng đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng, đảm bảo tính bền vững.

    PV: Đồng chí cho biết những chuyển biến cơ bản của huyện Bảo Lạc sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình MTQGXDNMT?

    Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng: Sau 10 năm tích cực triển khai thực hiện Chương trình MTQGXDNMT, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền, sự đồng lòng ủng hộ, chung tay, góp sức của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân, việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện đã trở thành phong trào rộng khắp và đạt được một số kết quả nhất định.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng

    Việc đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở tiếp tục được quan tâm, mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn huyện từng bước được đầu tư, đến nay hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn huyện được cải thiện đáng kể. Hàng năm, hệ thống giao thông được tổ chức duy tu sửa chữa thường xuyên, kịp thời khắc phục sạt lở đảm bảo giao thông thông suốt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của huyện. Đến nay, 16/16 xã có điện lưới Quốc gia, trong đó 69,07% số hộ dân được sử dụng điện; trường học các cấp từng bước được xây dựng theo chuẩn. Mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở được củng cố, 100 % xóm, tổ dân phố có nhân viên y tế thôn bản, cơ bản đáp ứng được công tác phòng, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Các công trình cấp nước sinh hoạt từng bước được đầu tư xây dựng từ các ngồn vốn đến năm 2020 toàn huyện có trên 98,7% người dân được sử dụng nuớc hợp vệ sinh; Công tác vệ sinh môi trường sinh thái vùng nông thôn được chú trọng trong đó tập trung vào việc di chuyển chuồng trại gia súc ra khỏi gầm sàn nhà. Trong 10 năm qua đã di dời chuồng trại gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở được 6.325/7.971 cái, đạt 79,35%... Chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm được quan tâm chỉ đạo và có chuyển biến tích cực, kết quả tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm, năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo là 33,11% (theo tiêu chí cũ), tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2020 còn 35,62% hộ cận nghèo 13,84%; thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích đạt 27 triệu/ha (2020); thu nhập bình quân đầu người đạt 23 triệu/người/ năm (2020). Đồng thời, nhận thức của cấp uỷ, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Chương trình được nâng lên; hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, tăng cường; diện mạo nông thôn từng bước được đổi mới; đời sống của nông dân tiếp tục được cải thiện, an sinh xã hội đảm bảo. Đến 31/12/2020, huyện đạt 150 tiêu chí, bình quân đạt 9,3 tiêu chí/ xã, so với năm 2015 tăng 81 tiêu chí (năm 2015 số tiêu chí đạt chuẩn là 69 tiêu chí, bình quân đạt 4,3 tiêu chí/xã, có 6 xã đạt trên 5 tiêu chí, 10 xã đạt dưới 5 tiêu chí); đến nay huyện không còn xã đạt dưới 7 tiêu chí, huyện có 01 đạt chuẩn xã NTM và bình quân hàng năm tăng 01 tiêu chí trở lên/xã.

    PV: Trong 19 tiêu chí NTM, tiêu chí về môi trường khi triển khai trên địa bàn có gặp những khó khăn gì không, thưa đồng chí?

    Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng: Trong quá trình thực hiện đồng bộ các tiêu chí về xây dựng NTM của huyện còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là tiêu chí môi trường và an thực phẩm (tiêu chí số 17). Nguyên nhân do huyện Bảo Lạc có địa hình phức tạp, nhiều núi dốc, chia cắt mạnh, đường giao thông đi lại còn khó khăn. Việc triển khai thực Chương trình xây dựng NTM do xuất phát điểm của huyện thấp so với mặt bằng chung của tỉnh, thường xuyên xảy ra thiên tai, dịch bệnh; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Nhu cầu đầu tư của huyện lớn, nguồn vốn đầu tư nhà nước và vốn huy động trong nhân dân còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của địa phương. Nhiều hộ nông dân chưa thực hiện tốt 8 việc thuộc trách nhiệm của hộ gia đình, đặc biệt là công tác vệ sinh môi trường, chỉnh trang nhà cửa vẫn còn nhiều hộ dân cư chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh... Trong đó, khó khăn nhất là công tác di dời chuồng trại ra khỏi gầm sàn nhà ở, thực trạng này gây ô nhiễm môi trường sống, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, ảnh hưởng đến tiêu chí môi trường trong thực hiện Chương trình MTQGXDNMT của huyện.

Lãnh đạo huyện Bảo Lạc thăm và tặng quà cho cô trò trường mầm non

    Nguyên nhân, do các hộ nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn nhà ở thường là các hộ nghèo, cận nghèo nên không có kinh phí để xây dựng chuồng. Trong khi đó các cơ chế chính hỗ trợ di dời chuồng trại còn thấp chưa đáp ứng yêu cầu của người dân (Theo quy định hộ nghèo 4 triệu, hộ cận nghèo 2,5 triệu, hộ khắc 1,5 triệu). Quỹ đất hạn hẹp không có mặt bằng để làm chuồng trại; tâm lý lo ngại để chuồng trại xa nhà rất khó quản lý, dễ mất trộm...

    Để giải quyết thực trạng trên huyện Bảo Lạc xác định việc di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của huyện giai đoạn 2020 - 2025. Trên cơ sở rà soát thực tế tại các xã, thị trấn cho đến 31/12/2020 toàn huyện còn có 1.646 chuồng trại (chiếm tỷ lệ 20,65% hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện). Theo đó, Ban Thường vụ huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 01 – NQ/HU ngày 6/8/2020; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Bảo Lạc lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Chỉ thị số 28-CT/HU ngày 28/05/2020 của Huyện ủy Bảo Lạc về việc di dời chuồng trại gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở năm 2020 và giai đoạn 2020 - 2025, UBND huyện xây dựng kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 14/1/2021 về thực hiện di dời chuồng trại gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 và đặt ra mục tiêu từng năm để chỉ đạo các ngành chuyên môn, các tổ chức đoàn thể, các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi thực hiện di dời gia súc đảm bảo đến 2025 tỷ lệ di dời chuồng trại đạt 100% theo như kế hoạch đề ra.

    Trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện một giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu sau:

    Một là, tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và hiệu quả việc di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở nhằm thay đổi nhận thức của nhân trong công tác bảo vệ sức khỏe, môi trường, xây dựng NTM. Đồng thời, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ đảng viên, các cấp, các ngành và người dân trong việc tổ chức thực hiện.

    Hai là, hàng năm cân đối nguồn lực chỉ đạo việc lồng ghép các chương trình dự án, huy động mọi nguồn lực địa phương hỗ trợ các hộ chăn nuôi xây dựng chuồng trại gia súc phấn đấu thực hiện 100% số hộ chăn nuôi di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở vào năm 2025.

    Ba là, phát huy vai trò tiên phong của Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, các Chi hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên từ cấp huyện đến cấp xã. Hàng năm xây dựng kế hoạch, tổ chức các buổi tuyên truyền chuyên đề xây dựng NTM gắn với ký cam kết di dời chuồng trại ra khỏi gầm sàn nhà góp phần thực hiện hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch; quán triệt đoàn viên, hội viên tổ chức mình gương mẫu tham gia nhằm mục đích phát triển chăn nuôi bền vững, cải thiện môi trường sống của chính bản thân và gia đình.

    PV: Huyện đã làm như thế nào để công tác tuyên truyền vận động được thực hiện có hiệu quả để người dân hiểu và thực hiện quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong giữ gìn và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM?

    Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng: Xác định tuyên truyền Chương trình MTQGXDNTM là cuộc vận động lớn có ý nghĩa chính trị sâu rộng trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh, quốc phòng. Do vậy, hàng năm, huyện ban hành các kế hoạch về xây dựng NTM với nội dung tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước theo hướng dẫn số 2375/HD-BCĐ ngày 28/8/2013 của BCĐ Chương trình MTQGXDNMT tỉnh Cao Bằng về thực hiện các nội dung công việc thuộc trách nhiệm của hộ, gia đình, xóm, xã với các hình thức tổ chức như tuyên truyền qua đài truyền thanh của huyện và các trạm phát tại các xã... Ngoài việc tổ chức Hội nghị tuyên truyền thì công tác tuyên truyền miệng thường xuyên được thực hiện lồng ghép tại các cuộc sinh hoạt Chi bộ nông thôn hoặc các cuộc họp xóm... Hàng năm tại thôn, xóm đều được huyện triển khai đến ban lãnh đạo thôn, xóm tuyên truyền đến người dân; Chỉ đạo các xã thường xuyên vận động nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công lao động trong các cuộc họp xóm.

    Lồng ghép các nội dung tuyên truyền vận động với phong trào thi đua động  “Chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Mục tiêu phát triển phong trào xây dựng NTM ngày càng sâu rộng đến mọi tầng lớp, cán bộ người dân, tạo dựng được một khí thế xây dựng NTM sôi nổi trên địa bàn toàn huyện.

    ​PV: Thời gian qua huyện đã triển khai xây dựng thực hiện sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu được đưa vào Chương trình OCOP ở địa phương như thế nào, kết quả nhân rộng các xã trên địa bàn huyện?

    Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng: Trên cơ sở các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn liên quan, huyện đã chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn huyện với các nội dung: Phối hợp với Văn Phòng điều phối NTM tỉnh Cao Bằng tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, hướng dẫn triển khai Chương trình OCOP và các chủ thể tham gia chương trình OCOP.

Mô hình kinh tế người dân huyện Bảo Lạc

    Hàng năm UBND huyện ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm của huyện, với một số mục tiêu, nội dung chính: Kiện toàn bộ máy quản lý, điều hành Chương trình OCOP từ cấp huyện đến cấp xã; Triển khai thực hiện chu trình OCOP theo Quyết định số 490/QĐ-TTg, ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo nguyên tắc: Nhà nước hỗ trợ, hướng dẫn; các cơ sở sản xuất đề xuất sản phẩm theo nhu cầu và khả năng thực tế của đơn vị; Tổ chức đăng ký, tiếp nhận hồ sơ tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện; Tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện trình UBND tỉnh đánh giá, xếp hạnh các sản phẩm đạt 3-4 sao; Tham quan, học tập kinh nghiệm thực hiện Chương trình OCOP; Hỗ trợ đối với các cơ sở sản xuất, phát triển sản phẩm OCOP tiêu biểu đảm bảo chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm tạo niềm tin đối với người tiêu dùng…

    Kết quả qua triển khai thực hiện đến năm 2020 huyện Bảo Lạc đã có 01 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh (Gạo Nếp Hương Bảo Lạc). Trong năm 2021, huyện phấn đấu 3 sản phẩm được phân hạng đánh giá OCOP 3 sao cấp tỉnh. Hiện nay các thủ tục hồ sơ cơ bản đã hoàn chỉnh để trình Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện.

    ​PV: Để tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM theo hướng đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng, đảm bảo tính bền vững trên địa bàn huyện… đồng chí có đề xuất, ý kiến gì với các cơ quan chức năng?

    Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng: Để tiếp tục thực hiện Chương trình MTQGXDNMT theo hướng đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng, đảm bảo tính bền vững, đạt được các mục tiêu đề ra, huyện có một số đề xuất, kiến nghị sau:

    Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng NTM theo hướng tiếp tục sáp nhập các chương trình, dự án có cùng nội dung đầu tư, nội dung hỗ trợ trên địa bàn nông thôn với Chương trình MTQGXDNMT nhằm thống nhất cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương triển khai hiệu quả các nội dung của Chương trình, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư các nguồn lực, đảm bảo không chồng chéo, lãng phí nguồn lực. Rà soát, cập nhật và ban hành bộ tiêu chí quốc gia về NTM (cấp thôn, bản, xã, huyện) phù hợp với từng giai đoạn và thực tiễn tại địa phương. Ban hành hệ thống cơ chế chính sách đồng bộ và linh hoạt ở các cấp (tỉnh, huyện, xã, thôn bản) và phù hợp với từng nhóm địa phương (phấn đấu đạt chuẩn, đã đạt chuẩn, phấn đấu đạt chuẩn nâng cao);

Nhà văn hóa xóm Nà Rại, xã Cốc Pàng được đầu tư xây mới từ Chương trình MTQGXDNMT

    Thứ hai, thành lập Văn phòng điều phối chuyên trách tại cấp huyện, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện tại địa phương.

    Thứ ba, có cơ chế, chính sách ưu đãi hơn để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, bao tiêu sản phẩm. Phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường khâu bảo quản và chế biến hàng nông sản; hình thành hệ thống kết nối, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm gắn với chuỗi các chợ đầu mối hoặc trung tâm cung ứng hàng nông sản.

    Thứ tư, có cơ chế đột phá đầu tư phát triển hệ thống giao thông cho những địa bàn khó khăn do đặc thù về điều kiện địa hình, địa chất (như vùng miền núi khó khăn biên giới phía Bắc), tạo sức bật để các địa phương khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế sẵn có.

    Thứ năm, tăng mức đầu tư kinh phí xây dựng cơ bản cho xã điểm để huyện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí theo kế hoạch. Giao vốn sớm, giao vốn tập trung đầu tư theo thứ tự ưu tiên và đầu tư đồng bộ.

    Thứ sáu, hiện nay, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 thì các xã khu vực III nếu được công nhận đạt chuẩn NTM sẽ được xác định là xã khu vực I và hưởng các chính sách áp dụng đối với xã khu vực I. Tuy nhiên, các xã khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi biên giới có xuất phát điểm rất thấp, điều kiện khó khăn về mọi mặt, đồng thời chỉ tiêu đánh giá thực hiện các tiêu chí NTM (theo quy định của bộ tiêu chí NTM quốc gia, tỉnh) ở mức thấp so với các khu vực khác. Do vậy, tuy đã đạt chuẩn tiêu chí NTM nhưng cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội, đời sống người dân vẫn còn khó khăn chưa thể đảm bảo như các xã khu vực I ở các vùng khác được (nên xây dựng tiêu trí đặc thù đối với NTM miền núi, khác với NTM vùng đồng bằng và các tỉnh miền xuối). Đề nghị cấp trên xem xét có chính sách và lộ trình thực hiện phù hợp về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, học phí... cho các xã khu vực III đạt chuẩn NTM, để giảm bớt khó khăn cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số, ổn định, phát triển sản xuất, tiếp tục đóng góp của cải, công sức thực hiện giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM , phấn đấu đạt chuẩn tiêu chí NTM nâng cao.

    PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí.

Nam Hưng (Thực hiện)

(Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương)

Ý kiến của bạn