Banner trang chủ

Tích cực thay đổi tập quán và nếp sống trong xây dựng nông thôn mới ở Bình Liêu

24/10/2019

     Bình Liêu là huyện miền núi, dân tộc, biên giới, nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, có tuyến biên giới dài 42,999 km tiếp giáp Trung Quốc, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 96% dân số, trình độ dân trí không đồng đều. Toàn huyện có 8 đơn vị hành chính (gồm 07 xã, 01 thị trấn) với 104 thôn, bản, khu phố; trong đó, 6/8 xã biên giới và 6/8 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Trong những năm qua, huyện đã tích cực xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

 

Đường liên thôn được cứng hóa giải quyết khó khăn ở thôn Khe Bốc, xã Tình Húc, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh

 

     Trong năm 2010, khi triển khai Chương trình, huyện Bình Liêu chưa có xã nào đạt được 2 tiêu chí. Về cơ sở hạ tầng, thủy lợi, trường học hầu như không có. Nhưng sau 10 năm nỗ lực, huyện Bình Liêu đã đạt được 14 tiêu chí. Trong đó, hệ thống hạ tầng của Bình Liêu cơ bản hoàn thành, ô tô đã vào được các thôn bản, 100% các hộ sử dụng nguồn điện, 96% nước hợp vệ sinh, nhà văn hóa thôn đã được đầu tư trên 80% nhà văn hóa đạt chuẩn. Riêng đối với tiêu chí môi trường, huyện đã ban hành hai đề án: Xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh và di chuyển chuồng trại xa khu dân cư. Năm 2017, huyện đã thực hiện quyết liệt chương trình khi hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn, huyện áp dụng phương pháp yêu cầu các hộ gia đình ký bản cam kết xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Điều đó đã có những tác động tích cực trong việc thay đổi tập quán, nếp sống và suy nghĩ của người dân trên địa bàn.

 

     Nhìn chung, với phong trào “Bình Liêu xây dựng nông thôn mới” đã tạo được sức lan tỏa, thôn bản ngày một khang trang, đời sống văn hoá, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Bên cạnh đó, các phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện Chương trình. Nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất, cây cối, hoa màu, vật kiến trúc để đầu tư cơ sở hạ tầng dùng chung; Các phong tục tập quán lạc hậu đã dần xóa bỏ, công tác vệ sinh môi trường được cải thiện cơ bản, đời sống, thu nhập người dân ngày một nâng cao. Đến nay thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn tại địa bàn dự kiến hết năm 2019 đạt 33 triệu đồng/người/năm.

 

Hộ nghèo thôn Đồng Cậm, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh là một trong số các hộ được hỗ trợ xây nhà tiêu và chuồng trâu hợp vệ sinh môi trường

 

     Trong thời gian tới, huyện Bình Liêu tiếp tục đề ra chiến lược phát triển du lịch nông thôn gắn với du lịch sinh thái và mong muốn được hỗ trợ về mọi mặt để phát triển du lịch cộng đồng trên cơ sở phát huy thế mạnh của huyện.

Hồng Nhự

 

Ý kiến của bạn