Banner trang chủ

Nhiều khó khăn trong thực hiện tiêu chí về môi trường

22/06/2020

    Hiện nay, cả nước có hơn 5.800 xã đạt tiêu chí về môi trường. Nhằm thực hiện tốt cũng như bảo đảm tiêu chí môi trường, nhiều địa phương đã vận dụng sáng tạo và ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp điều kiện thực tế, nhằm đẩy nhanh hoàn thành tiêu chí này. Tiêu biểu như các tỉnh Bắc Giang, Thanh Hóa, Phú Yên có cơ chế, chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý rác thải, chất thải rắn sinh hoạt, đầu tư lò đốt rác... xây dựng các mô hình Xanh - Sạch - Đẹp. Một số mô hình cải tạo cảnh quan ở thôn, bản, ấp đã được các tỉnh áp dụng sáng tạo như con đường, làng bích họa, dòng sông không rác, biến bãi rác thành vườn hoa, tuyến đường xanh. Tại Đồng Nai, Hậu Giang, Trà Vinh, Hà Tĩnh, Nam Định…, số huyện có tuyến đường trồng cây xanh, hoa đạt hơn 50%.

 

Một góc "Đường hoa Phụ nữ" tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình

 

   Giai đoạn 2011 - 2015 và từ năm 2016 đến nay, với định hướng xử lý chất thải rắn tập trung quy mô lớn, nhiều địa phương đã đầu tư hệ thống xử lý bài bản, quy mô cấp huyện, liên huyện, như: Nghĩa Đàn (Nghệ An), Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), Uông Bí (Quảng Ninh), Tam Điệp (Ninh Bình), Thanh Liêm (Hà Nam)... Nhiều xã, thị trấn ở các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Thanh Hóa, Bạc Liêu, TP. Cần Thơ... đã đầu tư lò đốt chất thải công nghệ trong nước hoặc nước ngoài để xử lý rác thải. Thực tế một số địa phương đã làm tốt việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt, như Hà Tĩnh giảm được tổng lượng phát sinh rác thải ra môi trường đến 60%. Tại Đồng Nai, lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý khoảng 1.838 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 98,1%, tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn trong sinh hoạt chỉ còn khoảng 43%.

    Tuy nhiên, việc thực hiện các tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới còn gặp nhiều khó khăn. Các tiêu chí về nghĩa trang, cây xanh, xử lý chất thải rắn, nước thải chưa cụ thể. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ còn thiếu và yếu, nhất là cấp xã nên chưa theo kịp những diễn biến về môi trường; việc lựa chọn công nghệ xử lý chất thải sinh hoạt, nước thải cụm dân cư, làng nghề còn lúng túng dẫn đến lãng phí nguồn lực. Hơn nữa, việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia công tác BVMT tại các địa phương vẫn còn nhiều hạn chế; ý thức người dân chưa có nhiều chuyển biến…

    Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, thời gian tới, các địa phương cần quan tâm xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải trong sản xuất nông nghiệp, làng nghề; cải tạo kênh, mương, cống rãnh, ao hồ; xây dựng cảnh quan, hình thành các điểm sinh hoạt công cộng. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện khung thể chế, chính sách quy định, hướng dẫn, hỗ trợ triển khai các nội dung của tiêu chí môi trường để phù hợp thực tiễn theo hướng lượng hóa các chỉ tiêu, tiêu chí. Đặc biệt, các địa phương cần thu hút doanh nghiệp tham gia BVMT bằng việc ban hành cơ chế giá dịch vụ BVMT và thực hiện công khai, minh bạch; ứng dụng khoa học và công nghệ trong xử lý, xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp xanh, bền vững, thân thiện với môi trường và không phát sinh chất thải. Bên cạnh đó, phát huy hết mức vai trò của người dân trong công tác giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường nông thôn; vận động nhân dân đầu tư xây dựng và nâng cấp các công trình hợp vệ sinh, chỉnh trang nhà vườn, bố trí chuồng trại chăn nuôi hợp lý và thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh; huy động người dân vào cuộc, có kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, bảo đảm sự bền vững thông qua việc đưa các quy định về BVMT và xây dựng cảnh quan vào các quy ước, hương ước của thôn, bản... để các hộ gia đình nghiêm túc thực hiện.

 

Đỗ Hương

Ý kiến của bạn