Banner trang chủ

Một số mô hình tạo dựng cảnh quan nông thôn mới

26/08/2019

    Cảnh quan và môi trường nông thôn là nơi ở, nơi sản xuất và lưu trữ bản sắc văn hóa dân tộc, cũng như truyền cảm hứng, động lực phát triển nông thôn. Gần đây, một số địa phương đã ý thức được việc tạo dựng cảnh quan, bằng cách giữ lại và cải tạo hồ ao, trồng hoa, cây cảnh, tạo nét đẹp trong xây dựng nông thôn mới như ở Ðan Phượng, Gia Lâm, Thanh Trì (Hà Nội)... 

   Đến huyện Ðan Phượng hôm nay, không ai không ngạc nhiên trước sự thay đổi cảnh quan ở vùng quê này. Những ao làng, một thời từng bị lấp đi, hoặc biến thành ao tù, nay được người dân cải tạo lại, gọi là "ao môi trường". Các ao được nạo vét, kè bê tông, hệ thống nước thải có đường thoát riêng, vì thế nước ao trong xanh, tạo cảnh quan đẹp mắt cho nông thôn. Nhiều ao có ghế đá cho người dân hóng mát. Buổi sáng, buổi chiều khu vực quanh những ao làng như những công viên nhỏ, trở thành nơi tập thể dục, đi dạo của người dân. Ðây là kết quả của chủ trương cải tạo ao làng của UBND huyện Ðan Phượng. Ngay trong quá trình xây dựng nông thôn mới, ý thức được việc bảo tồn, cải tạo cảnh quan nông thôn, huyện Ðan Phượng đã lên kế hoạch chi tiết về việc giữ lại và cải tạo ao hồ trên toàn địa bàn. Sau quá trình rà soát, huyện đã quy hoạch, tạo dựng cảnh quan cho 101 ao. Các ao làng được cải tạo theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, được nhân dân nhiệt tình ủng hộ. Sau khi hoàn thành cải tạo, chính quyền địa phương giao lại cho các đoàn thể như: Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Ðoàn Thanh niên quản lý... Các xã thực hiện tốt việc cải tạo ao làng gồm có Song Phượng, Tân Lập, Tân Hội... Riêng xã Ðan Phượng lập "kỷ lục" với toàn bộ 13 ao được cải tạo.

 

Nông thôn mới đã mang lại môi trường trong sạch tại xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng)

 

    Cùng với những ao làng, thời gian gần đây, cảnh quan nông thôn Ðan Phượng có thêm điểm nhấn là những con đường nở hoa. Sau khi được công nhận là huyện nông thôn mới năm 2015, Ðan Phượng tiếp tục đề ra mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Cùng với việc phấn đấu, nâng cao các tiêu chí về kinh tế, xã hội, huyện đặt ra yêu cầu phải xây dựng cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp. Từ chủ trương này, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện đặt tên đường, đánh số, gắn biển số nhà, biển chỉ dẫn công cộng và xây dựng những tuyến đường nở hoa. Người dân gọi tắt là phong trào "đường nở hoa, nhà có số". Bốn xã được chọn làm điểm gồm: Song Phượng, Phương Ðình, Ðan Phượng, Liên Trung. Xã Phương Ðình là một điển hình của phong trào này. Mới triển khai một thời gian ngắn, nhưng màu xanh của cây và hoa trải khắp mọi con đường, ngõ xóm. Nhiều bồn cây được chăm sóc cẩn thận, nở hoa tươi thắm, tô đẹp thêm diện mạo nông thôn mới.

    Thực tế cho thấy, thu nhập của người dân trong xã còn chưa cao, cho nên muốn thực hiện thành công mô hình "đường nở hoa, nhà có số", phải được người dân ủng hộ, đồng thuận mới huy động tốt nguồn lực trong dân. Ðể làm được điều này, xã Phương Ðình đã thực hiện một cách bài bản, từ việc thông báo rộng rãi mục tiêu, ý nghĩa của mô hình, để người dân ủng hộ và nhiệt tình tham gia. Sau đó, toàn bộ mười thôn của xã đã thành lập ban vận động và tiến hành xây dựng mô hình với các mức độ khác nhau. Hiện xã Phương Ðình có bốn tuyến đường, tổng chiều dài 1.200 m là những tuyến đường "nở hoa". Ðối với việc đánh số nhà, các thôn đã thống nhất việc người dân tự đóng góp để làm biển. Với số tiền không lớn, mỗi hộ dân chỉ phải đóng góp 50 nghìn đồng, nhưng hiệu quả là rất cao. Ðường làng ngõ xóm được đặt tên, nhà dân được đánh số rất quy củ.

    Đã có quãng thời gian, do chưa nhận thức đúng về giữ gìn, tạo dựng cảnh quan nông thôn cho nên không ít làng quê bị "bê tông hóa" quá đà, khiến làng quê trở thành những khối bê tông nặng nề, ngột ngạt, nhất là vào mùa hè. Ðể khắc phục tình trạng này, đầu năm 2017, UBND huyện Gia Lâm đã xây dựng đề án "Ðầu tư, quản lý vườn hoa, sân chơi, ao hồ trên địa bàn giai đoạn 2017-2020". Ðề án đưa ra mục tiêu xây dựng 19 vườn hoa, 99 sân chơi, cải tạo 122 ao hồ trên địa bàn. Từ đầu năm đến nay, đã có nhiều ao làng được "giải cứu". Thôn Linh Quy Bắc, xã Kim Sơn là một ví dụ. Sau khi phổ biến chủ trương giữ gìn, cải tạo ao làng, người dân đã cùng nhau quyên góp được gần 250 triệu đồng nạo vét, xây bờ kè, làm đường bê tông chung quanh ao…, tạo cảnh quan môi trường đẹp cho làng quê.

    Những mô hình này cần được nhân rộng, để giữ gìn nét đẹp của làng quê, tạo dựng thêm cảnh quan, phù hợp với nông thôn mới.

 

Vũ Hồng

Ý kiến của bạn