Banner trang chủ

Lấy ý kiến góp ý dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi dùng trong trồng trọt

29/10/2019

     Ngày 29/10/2019 tại Nam Định, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị Lấy ý kiến góp ý dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật  quốc gia về nước thải chăn nuôi dùng trong trồng trọt.

     Theo khảo sát của Dự án Hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp (LCASP), trung bình một ngày lượng nước thải ra môi trường do chăn nuôi một con lợn thịt vào khoảng 32 lít nước với nồng độ khoảng 1% chất khô (bao gồm 2 lít nước tiểu, 20 lít nước để làm mát và 10 lít nước để vệ sinh chuồng trại, hòa lẫn với khoảng 2 kg phân). Như vậy, hàng năm, với khoảng 26 triệu con lợn thịt thì chỉ riêng chăn nuôi lợn thịt đã thải ra môi trường khoảng gần 300 triệu m3 nước thải chăn nuôi. Nguồn nước thải chăn nuôi này đã và đang gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước ở rất nhiều vùng nông thôn, ảnh hưởng đến đời sống dân cư và gây mâu thuẫn trong cộng đồng. Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, Bộ TN&MT đã ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi (QCVN 62-MT:2016/BTNMT) và chất lượng nước mặt (QCVN 08-MT:2015/BTNMT). Mặc dù các chỉ tiêu trong các quy chuẩn trên được cho là khá cao so với điều kiện kỹ thuật và tài chính của các trang trại chăn nuôi tại Việt Nam, nhưng những chỉ tiêu này cũng đã tiệm cận với các tiêu chuẩn quản lý chất thải chăn nuôi của các nước phát triển nhằm bảo vệ môi trường chung của cộng đồng.

     Nhằm giải quyết quản lý hiệu quả, bền vững nước thải trong chăn nuôi, tận dụng nguồn dinh dưỡng hữu cơ phục vụ canh tác trong trồng trọt, Bộ NN& PTNT giao Cục Bảo vệ thực vật chủ trì phối hợp với các đơn vị xây dựng QCVN nước thải chăn nuôi sử dụng trong trồng trọt.

     Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Thế Hinh – Giám đốc Dự án LCASP, cho biết: Việc các chủ trang trại chăn nuôi xả thải ra môi trường chung cần phải tuân thủ theo các quy chuẩn QCVN 62 và QCVN 08 của Bộ TN&MT là đúng đắn nhằm bảo vệ môi trường cho cộng đồng, phù hợp với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”. Tuy nhiên, việc bắt các chủ trang trại xử lý thật sạch nước thải chăn nuôi theo các quy chuẩn trên để tưới cho các diện tích trồng trọt trong khuôn viên các trang trại là không cần thiết và gây lãng phí kép cho nền kinh tế (vừa mất chi phí xử lý nước thải rất tốn kém lại vừa không mang lại lợi ích giảm sử dụng phân bón hóa học). Do vậy, để tạo điều kiện cho người dân tận dụng nguồn tài nguyên nước thải chăn nuôi quý giá cho mục đích trồng trọt, Bộ NN&PTNT xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tái sử dụng nước thải chăn nuôi cho cây trồng. Quan điểm này phù hợp với các quy định trong Luật Chăn nuôi mới ban hành năm 2018 và thực tế nhu cầu của sản xuất của nước ta.

 

Toàn cảnh Hội nghị

 

     Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật  quốc gia về nước thải chăn nuôi dùng trong trồng trọt bao gồm 4 phần (Quy định chung; Quy định về kỹ thuật; Phương pháp xác định; Tổ chức thực hiện). Với quan điểm xây dựng Quy chuẩn đáp ứng các yêu cầu về quản lý chất thải chăn nuôi đã xử lý như là nguồn tài nguyên nước và dinh dưỡng cây trồng cho trồng trọt, góp phần nâng cao chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Chỉ quy định để quản lý các thông số có nguy cơ gây mất an toàn đến chất lượng môi trường đất, nước, sản phẩm cây trồng khi sử dụng cho cây trồng khi sử dụng cho cây trồng; để bảo tồn được các giá trị về dinh dưỡng cây trồng đồng thời giảm chi phí xử lý nước thải. Mức giới hạn của các thông số quy định phù hợp với thực tế điều kiện sản xuất, công nghệ xử lý nước thải chăn nuôi trong nước nhưng phải đảm bảo an toàn cho môi trường đất, nước và chất lượng cây trồng và hài hòa với các quy định quốc tế. Đồng thời, đảm đảm tính kế thừa các quy định đang phù hợp với thực tiễn, dáp ứng yêu cẩu của Luật Chăn nuôi, Luật BVMT và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan... QCVN này được áp dụng vào cuộc sống sẽ là 1 hướng đi mới trong xử lý chất thải hiệu quả, tiết kiệm, thuận lợi to lớn cho các doanh nghiệp, Hợp tác xã và hộ chăn nuôi tại Việt Nam.

     Theo các đại biểu, dự thảo Quy chuẩn lần này đã tiệm cận với thực tế của đất nước; đối với nhà sản xuất, công nghệ xử lý nước thải và xu hướng chung của thế giới và trong nước, đảm bảo cho sự phát triển của nhà sản xuất và đảm bảo sự an toàn về môi trường của người tiêu dùng và cộng đồng. Quy chuẩn đã đề cập đến các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ cũng phải có trách nhiệm trong xử lý nước thải trong chăn nuôi. Quy chuẩn mới sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn cho các nhà sản xuất và các cơ sở chăn nuôi.

     Kết luận tại Hội nghị, ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNN cho biết: Thông qua các báo cáo tham luận và ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu, doanh nghiệp... tại Hội nghị làm rõ các nội dung của Quy chuẩn; Nhóm cây trồng có thể áp dụng theo Quy chuẩn; Bổ sung tính dự báo, đánh giá về sự cố môi trường, kiểm soát ô nhiễm....Hội nghị sẽ tiếp thu các ý kiến của đại biểu để hoàn thiện trong thời gian tới. Với mong muốn Quy chuẩn ban hành sẽ đáp ứng yêu cầu hội nhập, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp, bảo vệ môi trường và sức khỏe của cộng đồng.

 

Phạm Đình

 

 

 

Ý kiến của bạn