Banner trang chủ

Hậu Giang: Nhân rộng mô hình hợp tác xã phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường

15/10/2019

     Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) đã trở thành phong trào lớn được nhân dân hưởng ứng rộng khắp. Đây là cơ hội và điều kiện thuận lợi để khu vực nông thôn ngày càng phát triển, đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Trong đó, kinh tế tập thể, cụ thể là hợp tác xã (HTX) nông nghiệp là một thành phần quan trọng đóng góp chung cho sự phát triển kinh tế và thực hiện các tiêu chí xã NTM. Tại Hậu Giang, nhờ chủ động phát triển sản xuất gắn với BVMT, các HTX nông nghiệp của tỉnh đã gặt hái được nhiều thành công.

     Cách trung tâm huyện Châu Thành 6 km, HTX Mai Vàng Phú Hưng (ấp Phú Hưng, xã Đông Phú) đang trở thành “đầu tàu” dẫn dắt 31 hộ trồng mai vàng, không chỉ tạo ra hiệu quả kinh tế cao mà còn bảo đảm các quy tắc an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), BVMT. Đây cũng là HTX duy nhất trên địa bàn tỉnh Hậu Giang sản xuất mai cảnh phục vụ Tết cho thị trường các tỉnh lân cận.

     HTX Phú Hưng có tổng diện tích trồng mai gần 5 ha, trong đó, 50% mai được trồng tự nhiên, 10.000 cây mai được trồng chậu, hơn 1.000 cây có tuổi đời 15 - 20 năm tuổi. Bình quân mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường hàng chục nghìn sản phẩm. Dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, HTX xuất bán ra thị trường 15.000 chậu/cây mai vàng, thu về trên 5 tỷ đồng. Nhờ sản xuất hiệu quả, HTX mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho thành viên, người lao động, với doanh thu bình quân của thành viên HTX đạt 100 - 200 triệu đồng/năm, có những hộ thu nhập 400 - 500 triệu đồng/năm. Để có được thành quả như hiện nay, HTX đã thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp từ nâng cao trình độ, kỹ thuật đến các yếu tố về ATVSLĐ và BVMT. Trong quá trình sản xuất, không thể tránh khỏi việc sử dụng hóa chất và thải ra rác thải, nhất là khi HTX sản xuất trên quy mô lớn. Vì vậy, HTX đã vận động thành viên bảo đảm tốt vấn đề vệ sinh trong vùng sản xuất. Đối với quá trình phải ủ phân cá để tưới cung cấp chất đạm cho cây, HTX khuyến cáo thành viên mua thùng phuy về ủ, bảo quản một cách kỹ lưỡng vì loại phân này có mùi khá nồng, dễ gây ô nhiễm môi trường. Về sử dụng phân bón, thuốc BVTV, thành viên HTX và các hộ trồng mai tại Phú Hưng đã vận dụng thành thục quy trình, bảo đảm đúng kỹ thuật, liều lượng. Các phương tiện bảo hộ cũng được trang bị đầy đủ, giúp hoạt động sản xuất an toàn và đạt hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, các hộ trồng mai đều được hỗ trợ xây dựng hố rác tại vườn để thu gom rác thải nguy hại như chai, lọ, túi nhựa… Các loại rác được phân loại, sau đó được đưa đi tiêu hủy hoặc tái chế, bảo đảm không gây hại cho sức khỏe của người sản xuất.

 

Một thành viên HTX Mai vàng Phú Hưng đang tỉa lá cho cây

     Với kinh nghiệm của các thành viên, kỹ thuật chăm sóc tốt, chú trọng yếu tố môi trường, vườn mai của HTX Mai vàng Phú Hưng đang đang chạy nước rút để tỉa lá, tạo dáng cho cây mai, chuẩn bị phục vụ thị trường Tết.

     Nằm trên địa bàn xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, những năm qua, HTX Thành Lợi luôn chú trọng gìn giữ môi trường trong sạch. Đây là HTX chuyên cung ứng giống cây trồng các loại cho người dân trên địa bàn xã Phú Hữu (huyện Châu Thành). Là một trong những HTX điển hình về BVMT tại tỉnh Hậu Giang, trong quá trình sản xuất, HTX đã vận động thành viên làm tốt công tác vệ sinh tại nơi sản xuất, không vì lợi nhuận mà gây nguy hại môi trường.

     Sau hơn 6 năm đi vào hoạt động, HTX Thành Lợi đã cung ứng được hơn 20.000 giống cây các loại cho bà con tại địa phương. Ngoài ra, các loại giống cây của HTX được nông dân tin tưởng và đánh giá cao về chất lượng. Những năm qua, HTX đã đóng vai trò quan trọng vừa hỗ trợ để cụ thể hóa những tiêu chí và là công cụ phát huy nội lực rất hiệu quả trong việc xây dựng nông thôn mới tại xã Phú Hữu, góp phần không nhỏ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. 

     Theo đó, giải pháp mà HTX Thành Lợi thực hiện là ứng dụng các biện pháp kỹ thuật mới, thân thiện môi trường vào sản xuất như: Áp dụng nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp); tăng cường bón phân hữu cơ, xây nhà lưới bảo vệ cây đầu dòng để hạn chế dùng thuốc hóa học diệt sâu, bệnh. Ngoài ra, HTX còn tận dụng các phế phụ phẩm trong nông nghiệp để tái sử dụng làm phân bón, vừa có tác dụng cung cấp nguồn phân bón tại chỗ, vừa BVMT, hạn chế lây lan các mầm bệnh trong quá trình canh tác. Đặc biệt, năm 2018, HTX Thành Lợi đã tổ chức được 12 lớp tập huấn về BVMT áp dụng trên cây ăn trái. Qua đó, thành viên và bà con trong khu vực được trang bị các biện pháp sản xuất an toàn, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường. HTX cũng chủ động phối hợp với địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thành viên và nhân dân thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng để đúng nơi quy định.

     Ông Huỳnh Ngọc Điền - Giám đốc HTX Thành Lợi chia sẻ, với cách làm chủ động, HTX đã khẳng định hướng đi đúng theo mô hình HTX kiểu mới. Thông qua các khâu dịch vụ, HTX đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nông dân sản xuất, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần tăng sản lượng hàng hóa trên địa bàn. Tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng HTX Thành Lợi đã chủ động vươn lên, trở thành chỗ dựa tin cậy cho thành viên, góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và xây dựng NTM ở địa phương.

     Có thể khẳng định, các HTX nông nghiệp tại tỉnh Hậu Giang đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng hiệu quả tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người lao động, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Thông qua các HTX, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến gần với người nông dân hơn; đồng thời, giúp sản phẩm nông nghiệp tìm được đầu ra, chỗ đứng trên thị trường. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, các HTX tại Hậu Giang nói riêng và trên cả nước nói chung, tiếp tục phát triển mạnh mẽ, góp phần làm thay đổi căn bản đời sống người dân và bộ mặt nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững ở địa phương.

 

Nguyễn Thị Minh - Phương Lê

Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2019)

 

Ý kiến của bạn